Bạn đang ở đây

"Thu nhỏ" nỗi buồn

Cuộc sống rất cần sự hài hước và tiếng cười, thế nên cha mẹ hãy xây dựng tính hài hước và lạc quan cho con ngay từ khi thơ bé.

TIẾNG CƯỜI

Nhiều cha mẹ lầm tưởng hài hước là năng khiếu bẩm sinh nhưng theo chị Nguyễn Thị An, chuyên gia tư vấn của tổ chức Plan Việt Nam, khiếu hài hước là một phẩm chất bé cần học hỏi, rèn luyện để phát triển chứ không tự nhiên mà có. Con cái thường có xu hướng học tính hài hước, lạc quan từ những người thân yêu nhất của mình.

Những trẻ có khiếu hài hước luôn vui vẻ và lạc quan hơn, biết tự trọng và thích ứng với những khác biệt của mình và của người khác. Trẻ biết tôn trọng và chia sẻ niềm vui với các bạn cùng trang lứa và biết vượt qua nghịch cảnh.

Tạo tính hài hước cho con bằng cách cả nhà cùng xem bộ phim hài rồi để con diễn lại những hành động con yêu thích, cũng có thể trước khi đi ngủ, bố hay mẹ kể cho con nghe một câu chuyện vui. Cha mẹ hãy tạo môi trường hài hước cho trẻ bằng việc “bao bọc” quanh bé những cuốn truyện cười dành cho thiếu nhi hay có thể cho bé xem chương trình tivi, 1 bộ phim hay những trang web hài phù hợp với lứa tuổi.

Tuy nhiên, chìa khoá giúp bé vui thích là cần tạo cơ hội để bé cùng cười với cả nhà. Những khoảnh khắc vui vẻ này, sẽ là ký ức hạnh phúc khó quên với bé trong tương lai.

Tính hài hước thường song hành với tính lạc quan. Theo chị An, khi trẻ dưới 10 tuổi, bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Lúc lớn lên, các con lại bị ảnh hưởng nhiều từ những người bạn. Tuy vậy, nền tảng của 10 năm đầu rất quan trọng và sẽ ảnh hưởng đến cả quãng đời về sau. Do đó, những đứa trẻ có tính hài hước và những suy nghĩ lạc quan sẽ biết từ chối và kiên định với suy nghĩ của mình khi bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê.

CƯỜI

Để rèn luyện được tính lạc quan thì kỹ năng diễn tả niềm vui, biết chia sẻ niềm vui rất quan trọng. Điều này không hề đơn giản mà phải được rèn luyện hằng ngày. Khi con gái bắt đầu đi học, chị An thỏa thuận với con: “Mỗi ngày mẹ sẽ kể về 1 niềm vui và 1 chuyện chưa vui cho con nghe. Tương tự, con cũng kể 1 chuyện vui và 1 chuyện chưa vui của con cho mẹ nhé”.

Vậy là ngày nào hai mẹ con cũng chia sẻ với nhau trước khi đi ngủ và giờ đây, việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn là thói quen hằng ngày của mẹ con chị, giúp họ gắn kết và hiểu nhau hơn.

Có được sự lạc quan cũng đồng nghĩa với việc biết “thu nhỏ” nỗi buồn. Việc dạy trẻ vượt qua nỗi buồn cũng rất cần thiết. Ngay khi bé xuất hiện tâm trạng chán nản, cha mẹ nên hỏi bé nguyên nhân. Giúp bé gọi tên chính xác cảm xúc tiêu cực để bé vơi bớt nỗi buồn bởi khi trẻ nói được con đang buồn cũng là thời điểm trẻ bắt đầu bước qua nỗi buồn đó. Cha mẹ nên để bé bình tĩnh trước khi cùng bé giải quyết nỗi buồn, đó là phương pháp giúp bé vượt qua cảm giác chán nản một cách tính cực.

Theo PNVN

people like INLOOK.VN fanpage