Bạn đang ở đây

Trách ai, ai trách?

“Chuyện thường ngày ở tòa” là cảnh tượng vợ chồng quy lỗi, trách cứ nhau, giành phần phải về mình để mong được thẩm phán ưu ái. Đáng nói là ai cũng cố chứng minh công sức đóng góp của mình vào khối tài sản chung mà quên mất sự “đóng góp” của mình vào sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

ly hôn

Người “hoàn hảo”

Tại TAND Q.Phú Nhuận, trước yêu cầu “trình bày mâu thuẫn vợ chồng”, ông Nguyễn Văn H. (thầu xây dựng) trả lời sắc lạnh: “Vợ tôi ngoại tình”. Bị bắt quả tang tay trong tay với người tình, ở tòa, vợ ông H. chỉ biết khóc. Ông H. nói: “Có người đàn ông nào mà đàng hoàng, trách nhiệm như tôi không? Nó không sống được với tôi thì đừng mong sống được với ai”. Tòa đề nghị ông H. không được gọi vợ bằng “nó” và có thái độ tôn trọng hơn.

Vợ ông H. tâm sự với phóng viên: “Cứ nhìn cách anh đối xử với tôi tại tòa, mọi người cũng đủ biết suốt mười mấy năm qua, tôi đã sống trong cảnh áp bức “chồng chúa, vợ tôi” thế nào. Lỗi là ở phía tôi, nhưng ông ấy không phải hoàn toàn tốt đẹp như ông cứ vỗ ngực tự đắc. Ông ấy là người giỏi thật, cái gì cũng biết, chỉ không biết… lỗi. Ông không coi tôi là bạn đời mà đối xử như thể tôi là “nợ đời” của ổng. Tôi cần tiền trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, ông quẳng tiền lên bàn. Tôi bệnh tật, ông không muốn “phiền” nên ra ngoài nhậu nhẹt. Tôi than thở, cầu xin sự quan tâm thì bị đánh đòn. Tôi chỉ cố làm tròn bổn phận người vợ, nhưng… Trong đau khổ, hụt hẫng, tôi cần sự chia sẻ của người đàn ông tốt hơn”.

Ông H. dù thuận tình chia tay nhưng khi cầm quyết định ly hôn, ông không về ngay mà châm điếu thuốc, tần ngần đứng nhìn theo vợ đang bước xa dần khỏi cuộc đời ông. Hẳn là ngày còn  sống chung, cũng có lần ông muốn xin lỗi vợ vì đã quá lời, quá tay, nhưng ông không quen hạ mình, gặp vợ ương bướng, cố chấp nên lời xin lỗi bỗng biến thành… đổ lỗi. Giờ đây, khi hạnh phúc đang vuột khỏi tầm tay, ông cũng không biết làm gì để xây dựng lại. “Đành vậy, mình có lỗi gì đâu, vợ mình mới là người phải cầu xin sự khoan dung, tha thứ” – ông ve vuốt “cái tôi” chưa hề bị sứt mẻ của mình. Vợ ông H. cương quyết ly hôn vì “chồng không biết lỗi thì tôi chẳng thể chờ đợi sự cải biến”.

Nếu không vì con người thường có xu hướng “bênh vực bản thân, chê trách kẻ khác”, thì người xưa đâu phải nhắc nhở ta phải luôn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Áp dụng lối hành xử “tại anh, tại cô tất cả chứ không phải do tôi” trong các mối quan hệ, luôn mang lại sự phiền muộn, rắc rối. Còn áp dụng với người bạn đời, thì đến một lúc nào đó, bạn không còn nhà để về…

ly hôn

Tiếp xúc đã hai năm, không nhớ rõ tên khách hàng, nhưng thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (tham vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình của NVH Phụ Nữ TP.HCM) vẫn nhớ rõ như in chuyện nhà của người đàn ông tự xưng là người hoàn hảo. Anh cho rằng vợ mình đã “tu chín kiếp” mới gặp được mình. Anh không bài bạc, rượu chè, mèo mỡ, lại thành đạt, một mình làm ăn xây được nhà lầu bốn tầng. Chính vì thế, anh không hiểu nổi tại sao phản ứng của vợ đối với anh ngày càng tiêu cực. Anh đi làm về mệt lên phòng nghỉ, vợ sau khi nấu nướng, đã dọn ra ngồi ăn tự nhiên, không gọi mời anh một tiếng. Chờ lâu, bụng đói cồn cào, từ lầu ba mò xuống bếp, thấy cảnh vợ ngồi ăn, anh mắng: “Mày đúng là không biết điều. Tao làm nuôi mày mà lại…”. Vợ anh nói: “Thì muốn ăn phải lăn vào bếp chứ!”. Anh đay nghiến vợ, đánh mắng vợ, hất đổ mâm cơm. Miểng văng chảy máu chân anh, vợ vẫn không ngó ngàng tới.

Nhà tham vấn phân giải: “Vợ anh có những cái sai, nhưng bản thân anh cũng cần điều chỉnh cách hành xử và hoàn thiện mình hơn nữa để tạo tình cảm nơi vợ con, cải thiện hạnh phúc gia đình”. Anh cự tuyệt: “Tôi cóc cần phải thay đổi, tôi có chỗ nào chưa tốt đâu? Tôi không bài bạc, rượu chè, mèo mỡ… Vợ tôi mới phải thay đổi”. Hai năm trung thành với quan điểm bảo thủ của mình, anh “hoàn hảo” phải đứng trước ý định ly hôn để tách mình ra khỏi những người xấu xa, tệ bạc. Khi anh còn chút phân vân, tiếc rẻ thì vợ anh đã giúp anh quyết định mau chóng. Đôi mắt ráo hoảnh, vô cảm, chị đồng ý ngay khi anh yêu cầu ly hôn. Trước câu hỏi đầy nghịch lý của chuyên viên tâm lý “anh là người hoàn hảo, tại sao vợ anh lại không thích sống cùng?”, anh vẫn chưa chịu hiểu ra. 

Khen – gây men cho bạn đời

Sự tự ái và cơ chế tự vệ khiến người ta không dễ dàng nhìn nhận khuyết điểm của mình như nhìn khuyết điểm người khác (nhất là từ những khuyết điểm ấy của bạn đời khiến ta bị thiệt thòi, tổn thương). Khi ta đánh giá bản thân đã quá “tốt”, đã tròn như một quả bóng thì cũng đồng nghĩa với việc ta quy toàn bộ lỗi cho đối phương, yêu cầu họ phải cải sửa cho xứng hợp. Hạnh phúc gia đình sẽ là con số không nếu mọi thành viên đều thấy mình đã… tròn trịa.

Thực ra, “trách nhân” cũng hướng đến mục đích tốt đẹp là để bạn đời hiểu được mong muốn của mình, giúp bạn đời khắc phục cái xấu, phát huy cái tốt. Tuy nhiên, “muốn đạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình là người lý tưởng chưa đã?” (Lelend Foster Wood). Khi bạn là một “cái nồi” tốt thì “cái vung” méo bên cạnh sẽ cố gò mình để mãi được chung đôi.

LY HÔN

“Tiên trách nhân” quả là thất sách, nhưng nếu không như thế thì làm sao để cải sửa bạn đời? Có thể thay thế bằng phương pháp nào khác chăng? Thạc sĩ Phạm Thị Thúy gợi mở: “Chính lời khen mới làm người khác thay đổi tốt nhất”. Được khen, ai cũng sẽ tìm cách tự sửa lỗi để được khen tiếp, hoặc sẽ làm gì để không hổ thẹn với “danh hiệu” của mình. Nếu ai có thói quen “tiên trách nhân” thì đừng quên “hậu trách kỷ”. Và điều quan trọng là phải có nghệ thuật “chê”. Nên thay từ “anh/em thật xấu, tệ, dở” bằng từ gợi ý: “nếu tôi là anh, tôi sẽ làm a, b, c...”, “anh làm a, b, c sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn đấy!”. Gợi ý hoàn thiện là lời chê trách nhẹ nhàng mà hiệu quả, mang lại lợi ích cho người bị chê (mà bản thân mình cũng không bị “dội đạn” khi đã nói thẳng nói thật).

Chị Nguyễn An (kinh doanh địa ốc tại Q.4) hỏi hết người quen đến chuyên viên tâm lý nhưng vẫn chưa cải thiện được tình cảm vợ chồng vốn “bất ổn” từ giữa năm trước. Đầu năm nay, chị mời cả chồng đi tư vấn. Nhìn hai chiều, chuyên viên tâm lý hiểu anh chị vẫn còn yêu nhau, chỉ do thói quen không biết “tiên trách kỷ” khiến cả hai cứ hằn học, buồn giận. Cả hai ngoéo tay sẽ “chĩa mũi dùi” về phía mình chứ không phải về phía bạn đời như trước đây. Là trụ cột gia đình, chồng chị An đi tiên phong trong việc “xin lỗi”. Khi phát hiện vợ gửi về quê số tiền lớn, không thông qua ý kiến của mình, chồng chị An giận run nhưng anh kịp thời trấn tĩnh, không la mắng ỏm tỏi như trước kia. Anh tự đặt câu hỏi: “Mình sống như thế nào, vợ mình mới phải che giấu như thế?”. Lựa thời cơ thuận lợi, anh tâm sự với vợ là đáng lẽ anh phải quan tâm hơn đến ba mẹ vợ đang già yếu ở quê. Được lời như cởi tấm lòng, chị An thú thật mới gửi tiền về quê để mua thuốc cho mẹ. Chị xin lỗi anh vì đã “lạm quyền”, sau này có chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng sẽ xin ý kiến chồng. Chồng chị An chia sẻ: “Khi bạn toàn chê bai người khác, có nghĩa là bạn áp đặt một nguyên tắc hành xử “bênh ta, chê người”. Người kia cũng sẽ chê lại bạn. Mâu thuẫn sẽ leo thang đến mức ngoài tầm kiểm soát. Ngược lại, nếu bạn nhận lỗi và có giải pháp khắc phục ngay thì tự khắc người bạn đời sẽ có một hành động đáng trân trọng tương tự như vậy. Khi ta chưa nhìn thấy “cái lưng” của mình xù xì thế nào, cần sửa chữa ra sao thì chớ vội “sửa lưng” người khác”.

Nguyên tắc “khen - chê - khen” do thạc sĩ Thúy khuyến cáo luôn cần thiết trong giao tiếp vợ chồng cũng như trong các mối quan hệ xã hội. “Khen một” để giúp vợ/chồng muốn nghe mình, “khen hai” giúp nâng đỡ tinh thần, gây men để bạn đời có động lực điều chỉnh. Ta không thể thay đổi bất cứ ai! Vì vậy, ai khôn phải trách mình trước để rút ra bài học, để tìm giải pháp cho mình, để thích nghi, hòa hợp với những khác biệt với người phối ngẫu. “Tiên trách kỷ” là điều nên làm nhưng chưa đủ, ta phải biết tự khen, tự thưởng cho bản thân để khuyến khích mặt tốt. Nhìn đâu cũng thấy mình khó ưa thì làm sao người khác có thể ưa mình cho nổi! Nếu biết trách mình và khen mình hợp lý, chắc chắn ta sẽ được vợ/chồng tự hào, yêu quý và mãi mãi không rời xa.

Theo PNO

people like INLOOK.VN fanpage