Bạn đang ở đây

Dồn sức cứu doanh nghiệp

Dù muộn nhưng là tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên Bộ Công thương lập đề án riêng của ngành mình để tác động đến các bộ ngành khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

inlook.vn - hình ảnh

Lãi suất cao, hàng tồn nhiều... khiến nhiều doanh nghiệp vô cùng khó khăn (ảnh chụp tại Công ty may mặc

Hoàng Giang, Q.8, TP.HCM) - Ảnh: Đình Dân

 

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ như vậy khi đóng góp ý kiến tại Hội nghị xây dựng đề án “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp” do Bộ Công thương tổ chức ngày 25-7 tại TP.HCM.

Ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

"Vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa đang bị buông lỏng. Nhân lực được đào tạo trong ngành này mới chỉ đạt 50%. Còn có hiện tượng doanh nghiệp làm ăn gian dối, lo cho cán bộ quản lý thị trường nhiều hơn Nhà nước lo thì rất khó tránh khỏi hối lộ"

Ông Nguyễn Minh Toại (giám đốc Sở Công thương Cần Thơ)

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ - vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải là lãi suất cao và khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn, chi phí đầu vào cao và bất ổn ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2011, giá bán ra của sản phẩm nhà máy cũng tăng 13,41%. Đồng thời, do kinh tế khó khăn, sức mua trong nước giảm mạnh, chỉ số hàng tồn kho cao, tính đến đầu tháng 6 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011. “Dù nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã dùng nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng hàng tiêu thụ vẫn chậm”, ông Vỵ phân tích. Trong khi đó, nền kinh tế VN phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu cũng gặp khó khăn khi kinh tế thế giới suy thoái, nhiều ngành hàng có các đơn hàng xuất khẩu giảm.

Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết trong thời gian tới bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng. Cụ thể là tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ sản phẩm như: vật liệu xây dựng, ximăng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện..., đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.

Bộ Công thương cũng sẽ triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, khơi thông thị trường, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và những hàng hóa trong nước đã sản xuất được. “Bộ sẽ đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, tạo cơ hội tăng thị phần hàng hóa VN trên thị trường nội địa. Đồng thời thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại cho xuất khẩu. Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính” - ông Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, Bộ Công thương cũng đưa ra các giải pháp dài hạn như tái cơ cấu doanh nghiệp, ngành nghề, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được xét tập trung vốn để hoàn thành sớm đưa vào hoạt động, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm... Bộ Công thương cho biết cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công thương đã ban hành danh mục thiết bị trong nước sản xuất được để đề nghị Chính phủ ban hành thuế suất hợp lý nhằm khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Đề nghị Bộ Tài chính kiên quyết xử lý vấn đề phí bảo vệ môi trường đối với bao nilông và thuế xuất nhập khẩu đối với một số sản phẩm. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản xuất cơ khí, hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và vận tải nhỏ...

Không chỉ khó về vốn

Dù đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương khi soạn thảo đề án nhưng nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng đến thời điểm này mới gỡ khó cho doanh nghiệp là quá muộn, hơn nữa nhiều biện pháp trong đề án đưa ra thiếu cụ thể.

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng còn nhiều giải pháp hỗ trợ cho địa phương hay từng ngành nghề chưa được rõ nét. “Ví dụ biện pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại địa phương cần nói rõ hơn, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp thì hỗ trợ của Nhà nước trong các chương trình này như thế nào hay chỉ có doanh nghiệp tự bươn chải?” - ông Hưng thắc mắc.

Cũng theo ông Hưng, trong tình hình hiện tại, không phải vốn vay mà hàng tồn kho nhiều, sức mua giảm mới chính là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Vì vậy, để thúc đẩy sức mua, cần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng và kiểm soát chặt chẽ hàng giả hàng nhái, hạn chế nhập khẩu hàng mà trong nước sản xuất được.

Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho rằng Bộ Công thương cần quyết liệt chống lại nạn hàng gian, hàng giả. Trong tình cảnh khó khăn về tiêu thụ hiện nay, nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu với hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào do thiếu hàng rào kỹ thuật. Theo ông Lê Phước Vũ - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hàng sắt thép Trung Quốc đi qua đường tiểu ngạch vào VN đang là một nguy cơ rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. “Chất lượng thép Trung Quốc thượng vàng hạ cám, trong khi hàng đưa vào VN không có tiêu chuẩn nên giá nào họ cũng bán được. Vì vậy, nếu không xây dựng hàng rào kỹ thuật thì lượng thép từ Trung Quốc  vào sẽ bóp chết toàn bộ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước” - ông Vũ cho biết. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

Chính sách phải đi ngay vào cuộc sống

inlook.vn - hình ảnh

Ông Vũ Huy Hoàng - Ảnh: T.T.D

Trao đổi với báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết các doanh nghiệp trong nước đang thật sự khó khăn, do đó càng sớm triển khai đề án này bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Ông Hoàng nói:

- Ngay sau hội nghị hôm nay chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị tương tự tại Hà Nội (ngày 26-7) để lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và sở công thương các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Kết thúc hội nghị ngày 26-7, chúng tôi sẽ tổng hợp và trình ngay với Chính phủ cũng như gửi cho các bộ ngành để xem xét và ban hành những giải pháp cụ thể gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Chúng ta không có nhiều thời gian để chờ các giải pháp được triển khai tuần tự, cần có những cách làm để chính sách đi ngay vào cuộc sống.

* Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là hàng tồn kho tăng trong khi sức mua giảm, bộ sẽ giải quyết nhanh vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Bộ Công thương sẽ thúc đẩy nhanh các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã phê duyệt nhằm tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có chính sách kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn. Về xuất khẩu, Bộ Công thương đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư để bổ sung kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự nỗ lực, chủ động hơn để tìm giải pháp cho mình chứ không chỉ phụ thuộc vào Chính phủ và các bộ ngành được.

* Đề án khẳng định sẽ tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng nhiều nội dung cụ thể lại tập trung giải quyết cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện, than, khoáng sản...?

- Tôi không nghĩ có sự thiên vị doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp lớn trong đề án này vì các giải pháp đã đi rất đều và phạm vi đề cập đến rất nhiều lĩnh vực. Nhưng riêng về ngành điện và than, bởi vì đó là những doanh nghiệp tạo điều kiện sản xuất cho các doanh nghiệp khác nên Bộ Công thương có nêu một số kiến nghị cụ thể hơn. Còn mục tiêu của đề án là tập trung cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế trong nước hay ngoài nước, quy mô lớn hay nhỏ, sản xuất hay thương mại.

TRẦN MẠNH

Kiểm tra việc cho vay lãi suất thấp

Ông Nguyễn Minh Toại nói rằng: “Thời gian qua vấn đề lãi suất cao đã góp phần đẩy doanh nghiệp vào kiệt quệ, dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hạ lãi suất nhưng sự thay đổi đang diễn ra rất chậm. Nếu các chính sách này không kịp thời áp dụng thì sự vỡ nợ dẫn đến phá sản của doanh nghiệp sẽ mang tính chất dây chuyền và ngày càng nhiều. Đề nghị Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước kiểm tra chủ trương này ở các đầu mối ngân hàng cấp trung ương, sở công thương các tỉnh thành kiểm tra ngân hàng ở các tỉnh thành. Riêng Cần Thơ, chúng tôi đi kiểm tra, các ngân hàng trả lời rằng hội sở chưa có công văn chỉ đạo nên họ chưa thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp”.

 

Theo TTO

people like INLOOK.VN fanpage