Bạn đang ở đây

Làm bánh gatô thật đơn giản

Bạn thắc mắc vì sao làm bánh theo đúng công thức nhưng khi ra lò vẫn không được ưng ý, bài viết sau đây có thể giúp món bánh gato của bạn trở nên ngon hơn.

Công thức với các tỷ lệ nguyên liệu của công thức không hẳn là chuẩn mực và phù hợp với khẩu vị của mỗi người, mà vấn đề là ở cách làm. Bạn có thể dùng bất cứ công thức gatô nào bạn yêu thích (vì độ ẩm, vì độ bông xốp, vì không thích bơ béo, ...) đi kèm với cách làm sau đây - mà ắt hẳn với những người mới, chưa có kinh nghiệm về độ bông của trứng thế nào là đủ, cách trộn bột thế nào để bột ko bị xẹp, ... sẽ tự tin hơn nhiều.

 

Cách làm này được áp dụng cho khuôn 24 cm, cao 10 cm, ngoài ra bạn cũng không phải đi rửa dụng cụ đánh trứng 2 lần như kiểu đánh bông lòng trắng riêng.

 

 

- 6 quả trứng gà tách riêng lòng trắng và lòng đỏ(tổng cộng khoảng 280 g không vỏ hoặc 325 g cả vỏ).
- 120 g đường (lượng đường này ăn vừa miệng, kèm với kem là vừa, nếu bạn thích ngọt hơn thì có thể chỉnh lên 130 g hoặc 240 g).
- 120 g cake flour (với lượng bột này, bánh sẽ hơi xẹp một chút (khoảng 1cm) so với viền bánh, nhưng kết cấu bánh nhẹ, xốp; nếu muốn hoàn toàn không xẹp bạn có thể chỉnh lượng bột lên 135 g hoặc 140 g).
- 4 muỗng canh bơ (đun chảy, giữ hơi ấm)
- 2 muỗng cà phê vani (hoặc không có cũng ko sao)

 

Cách làm:

Chú ý máy vẫn chạy đều trong quá trình cho nguyên liệu vào, nếu bạn mới làm, cứ nên để số nhỏ để bạn dễ quan sát mức độ chuyển biến của những thứ bạn đang đánh, đánh với tốc độ nhanh quá, bạn xử lý không kịp, nhiều khi lại hỏng mất.

 

- Đánh bông lòng trắng trứng đến độ vừa phải, nếu bạn không xác định được đến mức nào là vừa phải, đánh chưa tới một chút, hoặc đánh hơi quá tay một chút, thì cũng đừng lo lắng quá, cho đường vào hỗn hợp cũng sẽ dẻo bóng ngay thôi.

 

 

- Từ từ đổ đường vào trứng đã bông. Đánh đến khi nào hỗn hợp trứng đường bóng dẻo, lấy một ít đưa lên, thì ngọn của hỗn hợp này hơi quẹo xuống là ổn.

 

 

- Cho lần lượt từng lòng đỏ vào. Thấy máy vừa đảo tan đều 1 lòng đỏ thì cho tiếp cái khác vào, không nên để máy đánh quá lâu.

 

- Cho vani vào, sau đó cho từ từ bơ vào, máy vẫn không ngừng. Sau khi bơ đã hòa tan với hỗn hợp, thì ngưng máy lại. Hỗn hợp trứng đường bơ lúc này khá chắc chắn để bạn có thể trộn bột. Quan sát bằng mắt sẽ thấy hỗn hợp không thay đổi là mấy nhưng thể tích có tăng lên (so sánh bằng cách nhìn vào cây phới lồng đánh trứng, hỗn hợp cao dần lên)

 

 

- Lúc này bạn bật lò lên, nếu khuôn to (như với lượng công thức này) nên để 170 độ C và nướng khoảng 50 phút. Nếu dùng khuôn bé hơn, bánh nhỏ hơn bạn tăng nhiệt lên khoảng 180 độ C, và nướng khoảng 30 phút là ổn.

 

- Dùng chính cái phới lồng đánh trứng, rây từng lớp bột mỏng lên bề mặt hỗn hợp, đảo nhẹ phới lồng sao cho bột và hỗn hợp hòa vào nhau. Thấy bột trên bề mặt vừa hết, lại rây tiếp lớp khác vào, chú ý không quá quan trọng việc bột của đợt đầu đã tan hết chưa, vì khi bạn đảo bột của lần 2, bột của lần 1 cũng đang được hòa đều với hỗn hợp trứng đường. Cứ lần lượt cho đến hết bột.

 

 

Mách nhỏ để tránh việc trộn bột làm xẹp hỗn hợp, là bạn cứ đảo và trộn bột phía trên của hỗn hợp trứng đường thôi, đừng trộn đều xuống tận bên dưới, dĩ nhiên phía trên sẽ  nặng tay do nhiều bột, nhưng bạn sẽ đảo nó đều với nhau vào giai đoạn cuối, còn giai đoạn đầu, càng ít đụng vào phần dưới, hỗn hợp của bạn sẽ càng ít xẹp, có bị xẹp thì cũng chỉ là phần trên.

 

Đây là một cách khá an toàn cho những ai chưa quen nên trộn quá lâu. Với kiểu trộn này, kinh nghiệm cho thấy sau khi trộn bột xong, hộp hợp không bị xẹp đi tí nào cả.

 

Xong rồi bạn đổ hỗn hợp vào khuôn và nướng.

 

 

Đây là bánh thành phẩm.

 

 

Thêm một mẹo nhỏ để làm sao biết bánh đã chín hay chưa: Bình thường sẽ dùng cây tăm hoặc cây test bánh, nếu bột bánh không còn dính vào cây thử, thì bánh đã chín rồi. Tuy nhiên, với cách này, đôi khi cũng bị rủi ro là bánh đã chín, nhưng chưa đạt được độ khô và ổn định cần thiết.

 

Vì vậy bạn nên thử thêm một cách nữa cho chắc ăn, đó là dùng ngón tay, nhấn vào giữa bánh (nhớ là chính giữa nhé, vì đây là phần lâu chín nhất), nếu bánh lõm xuống và đàn hồi trở lại, thì xem như là đạt rồi đấy, còn nếu bánh lõm và không trả lại như ban đầu, thì bạn nên nướng thêm một chút nữa.

 

Với công thức này cốt bánh sẽ ẩm hơn một số công thức khác, kết cấu chắc, ăn cảm thấy vi bánh thơm béo mùi bơ, nhất là phù hợp với những ai không thích cốt bánh quá bông và nhẹ.

 

Chúc bạn thành công!

Theo DDNB
 

people like INLOOK.VN fanpage