Bạn đang ở đây

Phá lấu lòng bò: "Khoái khẩu" của người Sài Gòn

Đến Sài Gòn là phải thưởng thức món phá lấu vàng ruộm, sôi sùng sục béo thơm gia vị và nước dừa xiêm.

Món ăn vỉa hè này có sức hút với đủ các "thế hệ", từ cô cậu học trò, đến dân văn phòng và cả người già. Phá lấu quen thuộc đến mức, ở bất cứ cổng trường học nào cũng chễm chệ ít nhất một xe phá lấu thơm nghi ngút, ai đi qua cũng phải ngoái nhìn.

Bình dân khó cưỡng

Mấy cô bạn ở Hà Nội vào, cứ nằng nặc đòi được chở đi ăn cho bằng được món phá lấu nghe lạ tai, nhưng phải thử một lần cho biết trong đời. Và dĩ nhiên, các cô bị món ăn ngon này "đánh gục" từ khi nào không hay.

 


Ăn phá lấu phải ngồi chồm hổm trên ghế nhựa, ngắm phố phường qua lại, và thủng thẳng chấm, nhai thụ hưởng. Chén phá lấu với nước cốt khìa dừa màu nâu cánh gián nóng hổi, được bưng ra bàn, mùi nước dừa, mùi thịt thơm cứ quyện vào nhau, tạo thành thứ dư vị ngầy ngậy đầy hấp dẫn ngay trong khướu giác. Phần "cái" của phá lấu cũng được chủ quán khéo léo cắt gọt sao cho trong cái chén be bé ấy có đủ thành phần bộ lòng như: Gan, khăn lông, lá xách, phèo non, tổ ong, trái khế, lá mía, thịt dày... Người "sành ăn" chỉ dùng một cây xiên tre để ăn phá lấu. Nếu dùng nĩa hay muỗng sẽ trở nên "lạc nhịp", phá lấu bỗng trở nên... vô duyên và mất đi phần ngon độc đáo.

Vị ngon thấm đẫm

Xiên từng miếng lòng đang ngập trong nước khìa dừa bốc khói lên, chấm vào nước me chua chua, cay cay, làm vị giòn mềm của lòng bò thêm đậm đà. Miếng lòng giòn sừn sựt trong miệng nhai thiệt đã. Chấm miếng bánh mì nóng thấm đẫm nước khìa, là đủ no bụng đến chiều.

 


Trò chuyện với chủ quán, mới biết món phá lấu bắt nguồn từ người Hoa, nhưng họ chỉ dùng thịt lợn. Du nhập qua Việt Nam, lòng bò rẻ hơn thịt lợn nên người xưa đã làm món phá lấu lòng bò để ăn, sau bán ở lề đường mưu sinh và theo thời gian, món ăn ngày càng nức tiếng nhờ rẻ, ngon và dứt khoát không vào trong... nhà hàng.
 

 

Tại Sài Gòn không khó để tìm một quán phá lấu, nhưng những quán được "rỉ tai" dưới đây là điểm hẹn của nhiều người sành ăn nhất:
- Khu phá lấu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
- Cô Oanh, 200/20 Xóm Chiếu, phường 14, quận 4.
- Quán Phá lấu Ngon, 545 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận.
- Dì Liên, 102 Phan Văn Trị, quận 5.
- Quán phá lấu khu trường Gia Định, hẻm 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh.
- Quán phá lấu vỉa hè bên hông trường Marie Curie, đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3.
Giá: 7.000-12.000 đồng/chén. Bánh mì 2.000-3.000 đồng/ổ.

Bật mí cho bạn cách làm phá lấu ở nhà

Nguyên liệu: 1 kg lòng bò gồm tim, gan, lưỡi, bao tử, ruột non, phèo, lá xách... 60 ml rượu ngũ vị hương, 100 ml xì dầu ngon, tỏi, hành, tiêu muối, dấm Tàu, đường, ớt băm, rau răm thái nhỏ.

Thực hiện: Tim xẻ dọc làm đôi, lưỡi, dạ dày tẩy sạch với giấm và rượu. Tẩm lòng với rượu ngũ vị hương trong khoảng 30 phút. Ướp gia vị thêm 1 tiếng.

 


Chế biến: Chiên lòng với dầu cho săn lại, trút vào hầm với nước dừa tươi sâm sấp cho mềm. Cắt nhỏ từng miếng cho vào chén, cho nước hầm vào, kèm một ít rau răm thái nhỏ. Nước chấm: Lấy một ít nước hầm trong nồi, đun cho đến khi đặc sệt. Nêm số gia vị còn lại vào: Tỏi, dấm Tàu, đường, ớt.

Lưu ý:
- Để nguyên lòng để hầm, phá lấu mới giòn, dai.
- Nên mua lòng bò tươi vào lúc sáng sớm, tránh dùng hàng đông lạnh.
- Độ chín của mỗi loại lòng khác nhau, nên gắp riêng ra từng loại để giữ độ mềm giòn.

 

Theo GDT

people like INLOOK.VN fanpage