Bạn đang ở đây

[sách hay] BAY

(Inlook.vn) - BAY là tập truyện ngắn của nữ nhà văn Nguyễn Đặng Thùy Trang vừa vinh dự được trao tặng giải thưởng Tác giả trẻ trong khuôn khổ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2019 do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

BAY là tuyển tập 20 truyện ngắn của nữ nhà văn Nguyễn Đặng Thùy Trang (sinh năm 1993), và ấn tượng đầu tiên khi lướt qua mục lục của tập truyện ngắn này đó là tuyệt đại đa số tác phẩm đều sở hữu cái tựa rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 1-2 từ.

Những cái tựa tưởng chừng cụt lủn ý tưởng như Nguyệt, Nứt, Hẻm, Nến, Gương, Chi, Bay, Xuân hay dài hơn chút xíu như Thành phố, Cái ôm, Cúc Dại, Phơi Đồ, Bức tường, Ở chợ, Ngã tư đường,… lại chính là một chuỗi dài tình cảm, cảm xúc và nhịp sống được tác giả khắc họa thông qua lối viết tinh tế, giọng văn đầy nội tâm, mạch lạc và có phần theo kiểu nghị luận để diễn đạt các vấn đề đời sống.

Ở các tác phẩm viết về tình yêu như Nến, Chi, Thành phố, Bức tường hay Phơi đồ, thủ pháp chú trọng độc thoại hay tâm tình của nhân vật đã ít nhiều khiến nhân vật của tác phẩm có phần bí ẩn, tuy nhiên nhịp điệu, hình ảnh trong từng câu chữ vẫn được chú trọng giúp người đọc dễ dàng đồng cảm cùng tác giả, và nhân vật.

Nhân vật cũng như chủ đề trong phần lớn truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang hầu hết đều trẻ, trong số đó nhiều nhân vật được tác giả đưa vào một không gian sống tĩnh lặng, đó là những nhân vật sống một mình để khám phá nội tâm của chính mình, vừa bày tỏ vừa khám phá.

Bên cạnh đó, nhiều cảm xúc đời thường mà tác giả ghi nhận từ cuộc sống xung quanh cũng được khéo léo chuyển thể thành truyện, thật giản dị và mộc mạc, ví dụ như cái sự cà khịa của “bà cà dép” với “bà bì nhựa” trong cái xóm nhỏ đầy nghĩa tình ở tác phẩm Hẻm, hay chuyện người đàn ông đa cảm trong tác phẩm Ở chợ, chị chủ cái hiệu gội đầu hiểu khách còn hơn hiểu mình trong Nguyệt, rồi hay như cái chuyện giặt giũ cũng được tác giả vay mượn để tô đậm sự dạt dào về tình cảm gia đình trong tác phẩm Phơi đồ.

Tuy nhiên, thế mạnh của tác giả Nguyễn Đặng Thùy Trang vẫn là những truyện ngắn thiên về tình cảm lứa đôi pha chút huyền ảo.

Đơn cử, trong tác phẩm Nến, người đọc sẽ chẳng thể biết được thực hư mối quan hệ giữa đôi bạn nữ cùng ở trọ Miên và Chi, còn chàng trai Huy bỗng dưng xuất hiện là ai, thay vào đó chỉ là những ngọn nến huyền ảo, những luồng ánh sáng lãng mạn, những đoạn độc thoại dài và đôi khi được ẩn dụ bởi lối tả cảnh đầy nóng bỏng.

“Đó là khi cả hai ô cửa sổ đều mở chờ đón và màu nến thật vàng nhỏ lung linh, tan chảy nhẹ nhàng như tình yêu từ tốn. Ánh mắt như ngọn nến, đôi môi rực sắc nến và cả hơi thở lấp đầy như bùng cháy ngọn sáng cuối. Phông tường trắng đen, đôi tay đan vào nhau những hình gì, chập chờn xuống lên chim bồ câu hạnh phúc, trái tim đan cài trong khoảng trống bàn tay. Đêm rất đẹp, những bí ẩn ngọt ngào. Dầu chảy như những giọt nước mắt, ngọn sáng nhỏ vẫn tìm đến nhau trong đêm, cùng nhau”.

Với tác phẩm Cái ôm, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng một tình yêu cao thượng từ Mân, và sự chân thành từ người đàn ông luôn được vợ trân trọng, bởi anh chính là hơi ấm của những ngày mưa, của những hôm gió lạnh, là cái ôm làm tan chảy trái tim vốn dĩ đã từng thuộc về ai đó thật xa xăm,…

Có lẽ, với Mân, tình yêu không hẳn là sự chiếm hữu, mà là sự thấu hiểu, sẻ chia, và cảm thông bởi hết mùa lạnh chắn chắn sẽ là mùa yêu thương.

 “Anh xoa dịu tôi bằng những cái vuốt vuốt đằng sau lưng, bằng những cái ôm từ phía sau. Tôi mềm lòng thật sự sau đêm mùa đông ấy. Và những mùa đông sau này, chúng tôi chính thức ở bên nhau. Mân biết lòng tôi thường chùng lặng vào những ngày gió, anh thường bảo con nhảy vào lòng tôi và nũng nịu”.

Trong khi đó, với tác phẩm Nứt, bằng lối dẫn dắt khéo léo và khắc hóa tinh tế, lối tả đầy ẩn dụ, ít ai ngờ rằng, có một thứ gọi là hạnh phúc từ những vết nứt, nỗi đau của sự bội bạc.

Đó là ngoại trừ việc anh đã rời đi, còn lại, dưới những rực màu hoa lệ, chị vẫn nghiễm nhiên, còn là chính mình; là khi thức dậy ở một nơi khác, cảm thấy nhớ da diết một vết nứt, những rạn vỡ, những kỳ cục, nhớ ô cửa, nhớ bàn tay trong khung nền ô cửa, nhớ cái ca bể, nhớ những ngày tháng nóng; là khi đứng lên và cào cấu, những mảng tường lở ra và rơi xuống, rơi xuống thực sự rồi.... Sự nứt, sự rạn vỡ của đồ vật, tình cảm xét trong một phạm trù nào đó cũng là một dạng hạnh phúc.

Bạn sẽ vỡ òa, bật khóc thật to khi tác phẩm dẫn lối bạn vào một quầy hàng lưu niệm chuyên bán những vật dụng cũ, cái nứt quai, cái gãy gọng... nhưng lại cực kỳ óng ánh cảm xúc, sự trinh nguyên tình cảm.

Hay như với truyện ngắn Nguyệt, ngay khi đọc, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận có gì đó cay cay trong mắt khi mà một vị khách nam cứ ra tiệm gội đầu và im lặng... vì đến cuối thì mới hiểu rằng ngày xưa mẹ của anh thường gội đầu, lau mặt cho rồi mới cho phép anh đi chơi ngoài xóm.

"Anh mặc áo mưa ra đường, giữa dòng người thật nhiều màu nước nhòe hùa vào nhau. Có gì ở đó, một chút thì giờ dừng lại, ở lòng người, để tìm một điều gì thương, không hề phù phiếm một chút nào....".

Chị chủ tiệm gội Nguyệt sống với những nỗi niềm của người ta, buồn vui của người dưng, những vị khách vãng lai hay mối quen, mỗi ngày mỗi chuyện, nhưng chị chính là tấm gương phản ánh sinh động, êm dịu và chan chứa muôn màu tình cảm cuộc sống.

"Có giọt mưa nào bắn vào tấm gương, chảy dài những vệt, in lên mặt chị trong gương nhìn. Mưa rồi lại nắng, đến rồi đến mãi thay phiên".

Còn ở truyện ngắn Phơi đồ, tưởng chừng chỉ đơn giản là tả thực nhiệm vụ của người phụ nữ, nhưng dưới cách bố cục vừa bay bổng vừa bông đùa vừa đúng đến không có chỗ nào sai, thì phơi đồ là một trò chơi với sắc màu.

Đó là cái ban công đầy nắng ngày Hè nhưng cũng là nơi mưa hắt xối, nơi trải lòng của những nỗi buồn khuya muộn, của miền ký ức. Nhưng hơn bao giờ hết, cái chuyện phơi đồ là việc làm đầy tính nghệ thuật, nơi có mùi xà phòng, mùi nắng và cả mùi thơm của ký ức quần áo. Chiếc áo nào cũng chất chứa tình cảm.

Hòa quyện trong mùa hơi ấy, là tình cảm lênh láng ở gia đình, của ba của má, của chị Hai, anh Ba anh Tư, của cô hàng gội đầu, của bọn cháu ở nhà, nguồn gốc chiếc áo cái khăn mà cô người yêu anh Ba tặng hay thiên tình sử của anh Tư và của chính nữ nhân vật chính, có lẽ là tác giả.

Sự lãng mạn của tình yêu thậm chí còn được tác giả lồng ghép với lòng yêu nước nồng nàn qua tác phẩm cuối cùng mang tên Đường mây, đó là Tình yêu đỏ thẫm dành cho Tổ quốc, bầu trời xanh của niềm tin, những chuyến bay canh giữ không phận đất nước, những điểm sáng nhấp nháy trên bầu trời...

"Tôi nói thầm, đất nước. Đất nước là gì. Trên bầu trời đầy mây, theo những đường bay, đất nước hiện hữu mỗi lần bay lên và hạ cánh..", tác giả trẻ và là một nữ giáo viên đã khắc họa tình yêu nước nồng nàn vào nỗi chờ mong từ người vợ, người mẹ của người chiến sỹ không quân thật khéo mỗi khi ngó lên bầu trời, khi người thân thực thi nhiệm vụ.

Kết thúc tác phẩm Đường mây, tác giả đã sử dụng lối tả thực nhưng không kém phần hư ảo, qua đó làm đậm sự hy sinh cao cả của người lính, sự sắt son từ hậu phương.

"Tôi nhận được tờ báo. Chiến sĩ phi công đã trở về. Trên báo, in hình bác Phong. Những tin tức về sự trở về kèm theo một hình ảnh mới của tuổi trẻ. Cả Phong của tôi và Phong của mẹ đều ở trên một trang báo. Bác Phong đã về. Dưới màu cờ Tổ quốc, trong lòng đất mẹ. Anh Phong của tôi là người con được bác Phong tâm huyết dìu dắt. Vậy mà tôi đã không nhận ra. Tình yêu bầu trời của cả hai người này. Có cái gì giống nhau đến lạ. Cũng đôi mắt ấy. Cứng cỏi... Xa xăm. Tôi nhắm mắt. Nghe chuyển động. Bay lên. Bay lên mãi. Tiếng một ai đó.

Đã sẵn sàng cất cánh.

Đã sẵn sàng.

Sẵn sàng".

Nguồn: NXB VHVN TpHCM

people like INLOOK.VN fanpage