Bạn đang ở đây

[sách mới] Quán Thủy thần

Dày dặn và đậm đà thương cảm về cõi nhân gian của người Việt ở mọi thời đại là điều mà tập truyện ngắn Quán thủy thần mang đến, với lối kể truyện không lẫn vào đâu được, đó là tự sự trữ tình, và ẩn sau đó là giọt lệ thầm của tác giả, khiến bất kỳ người đọc nào cũng sẽ nhanh chóng... cay xè mắt.

Gồm 10 truyện ngắn, Quán thủy thần của tác giả Nguyễn Hải Yến, là câu chuyện về vùng nông thôn Bắc bộ được khắc họa tinh tế trong nhiều bối cảnh cuộc sống, nhân vật và mốc thời gian, lúc hiện thực, lúc có phần hư cấu.

Dày dặn và đậm đà thương cảm về cõi nhân gian của người Việt ở mọi thời đại là điều mà tập truyện ngắn Quán thủy thần mang đến, với lối kể truyện không lẫn vào đâu được, đó là tự sự trữ tình, và ẩn sau đó là giọt lệ thầm của tác giả, khiến bất kỳ người đọc nào cũng sẽ nhanh chóng... cay xè mắt. Và Người đọc sẽ rất dễ bị tác giả đánh lừa bằng cách kể chuyện rất khéo của mình. Ngay ở tác phẩm đầu tiên là Nhân gian một cõi, khi bà cụ Thao bỗng trở nên cay nghiệt, ngoa ngôn sau cái ngày chứng kiến cảnh bố và mẹ chồng bị lão đội Cang bức tử, rồi tác giả khéo léo vẽ lên hình ảnh bà Thao trong vai mẹ chồng của ba cô con dâu,... với những câu chửi như hát “cha vạn đời tổ mày”, xóc xỉa đến tận óc. Nhưng rồi, tất cả sự dồn nén, lại là tình cảm yêu thương không thể lí giải, được gỡ thắt ở cuối truyện, dù rằng cô con dâu Cả không ai khác chính là con gái của gia đình đội Cang oan nghiệt.

Hay như trong Giếng mắt rồng, ít ai ngờ rằng, tác giả đã mượn những câu nói và lối hành xử đanh thép của người con dâu út (vợ nhân vật Tuân) để đánh bại âm mưu chiếm đoạt của người anh cả Toản vốn được ăn học tử tế nhưng bội tình, trăng hoa, bạc bẽo, thậm chí bán thân để cầu vinh.

Và rồi, với Phía trước nhà có giàn mơ dại, người đọc sẽ tiếp tục lọt vào một không gian nửa thực – nửa ảo đan xen của chuyện tình cảm “dọc đường” giữa một chàng trai lái xe và cô gái đi nhờ trong một sớm mù sương. Tác giả đã sử dụng một thủ pháp thật kỳ lạ, đó là ấn định người đọc vào đời thực, vào hình ảnh người lái xe rung động trước nét đẹp thánh thiện của một cô gái đến từ hư vô. Nhưng, tất cả không phải như vậy, một lời hẹn hò chẳng bao giờ có thể hoàn thành, nhưng vẫn hiện thực bởi “So với ba tháng thì một ngày lâu gì chứ? Đã hẹn là sẽ chờ. Nào đi thôi! Anh đưa em về!”.

Sự kỳ bí trong cốt truyện cùng cách quan sát nhân vật và không gian tinh tế, lối miêu tả chân thật, khi yêu, khi ghét của tác giả sẽ tiếp tục khiến người đọc lâng lâng, chẳng thể nào đoán biết trước được cái kết cho đến khi xem trọn những dòng cuối cùng.

Phần đầu tập sách với Hoa đại đỏ, Gió lên thả ngọn đèn trời, Giếng Mắt Rồng, Nhân gian một cõi… phản ánh hiện thực nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đả kích trực diện thói đua đòi của một bộ phận không nhỏ “quan xã” hay trưởng giả học làm sang, kèm theo đó là những tệ nạn xã hội đang hừng hực tràn về vùng quê cùng với tốc độ của cái gọi là đô thị hóa, cuốn hút người đọc bởi giọng văn dí dỏm, hài hước, bởi cách vận dụng rất khéo ngôn ngữ đời thường đầy hình ảnh và sức gợi. Nhưng đến phần sau với Đi giữa trời xanh mây trắng, Cây mẫu đơn hoa trắng, Quán thủy thần,Dành dành cánh kép người đọc chợt nhận ra rằng đây mới là tâm điểm của tập truyện. Đó là một thế giới dẫu có phần ma mị nhưng vẫn rất ư chất chứa yêu thương, là sự thiêng liêng tình cảm mẹ con, là tình anh em giữa sinh ly tử biệt, là tình yêu mãnh liệt, là hình ảnh vọng phu luân hồi bên quán nước ở mé sông, cạnh cây hoa gạo và cái vực Thủy Thần… Tất cả được kể bằng giọng văn đậm chất trữ tình, mỗi câu chuyện kể âm vang như một bài thơ nhưng ám ảnh tận cùng trái tim người đọc.

people like INLOOK.VN fanpage