Bạn đang ở đây

Thơ của hai người không xa lạ

Trong tuần này, có thêm hai tập thơ mới xuất hiện trên các kệ sách, hứa hẹn gây chú ý với bạn đọc trong nước: Một của ca sĩ Trần Thu Hà (Thập kỷ yêu) và một của thi sĩ Nguyễn Thế Hoàng Linh (Hở). Dù mới lần đầu tự vận vào danh phận thi sĩ hay đã quá quen thuộc trong tư cách người cầm viết làm thơ, thơ của họ đều có một điểm chung: Không xa lạ với bạn đọc đại chúng.

Ca sĩ hay thi sĩ?

Một ca sĩ đã không hẳn thuộc về ánh đèn và son phấn. Trần Thu Hà viết trong lời đầu tập thơ Thập kỷ yêu: "Thơ đem đến cho tôi sự thăng hoa cảm xúc, lối tư duy và một giải thoát tinh thần khác ngoài âm nhạc".

Nhưng, trong tập thơ mỏng, được đầu tư thiết kế đẹp đến mức có thể khiến nhiều nhà thơ chuyên nghiệp phải ganh tị này, chân dung tâm hồn của một ca sĩ thể hiện rõ hơn tất cả mọi bài phỏng vấn. Người đọc có thể gặp một Hà Trần của những không gian khác. Đó là con người của tình yêu, nỗi cô đơn: "Tìm khúc hoan ca hạt mưa trên mái lá" (bài Dấu tích một chùm ba). Đó là kẻ tự do một mình: "Kẻ tự do trên đường phố mộng du/ Giữa thênh thang không gì để mất/ Bởi đã hiến tế mạng sống thẳng ngay/ Cho niềm hoan lạc không do dự/ Một mình" (bài Trò chuyện)...

Phần đông người đọc có thể đến với thơ Hà Trần vì một Trần Thu Hà ca sĩ. Và, cũng có thể, một số ít sẽ tìm nghe Hà Trần ca sĩ sau khi đọc một vài câu thơ được nuông chiều và "thấy mình trong đó". Vì thế, danh xưng dường như không còn quan trọng khi nói về một tâm hồn nhạy cảm đang miệt mài buông những sợi tơ mong manh trong gió lớn kiếm tìm niềm đồng cảm.

 

 

Hà Trần và Thập kỷ yêu.
 

Đứng trong những điều nhạt nhẽo

Khoảng năm năm trước, bạn đọc biết đến Nguyễn Thế Hoàng Linh, chàng sinh viên nhàn rỗi, tác giả của hàng ngàn bài thơ, tiểu luận gây xôn xao trên các diễn đàn mạng. Trường hợp Nguyễn Thế Hoàng Linh xứng đáng nhất để gọi là điển hình của nhà văn mạng tại Việt Nam, xét về không gian ngôn ngữ, cách thức công bố và sự tương tác trong tiếp nhận. Một diện mạo thơ được hình thành. Lục bát truyền thống đôi khi chỉ là tấm áo cho những trò nghịch ngợm, cà rỡn của một người trẻ không ưa cái sự uốn éo nghiêm trọng. Vần vè vẫn là vần vè, nhưng lắm lúc chúng nổi loạn tấn công lại cái khuôn thức ù lì cầm buộc để hướng đến một hiệu quả hài giễu.

Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh thích nói về tình yêu, nỗi nhớ, sự cô đơn, thường cười cợt thói thực dụng phù phiếm dưới lớp vỏ hiện đại hay quyền lực dưới lớp áo đạo đức giả. Đôi khi, người trẻ này lại "giải phẫu" mình để tự trào. Trong bài thơ Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông được nhiều người biết, có thể thấy sự dị ứng của một tâm hồn ngẩn ngơ đi lạc miên man trong khu rừng kỷ nguyên công nghệ và tiện ích. Mọi thứ xuất phát từ cái việc anh ta truy vấn về nỗi nhớ với... tổng đài 1080 trong sự "bất khả tư nghị": "Tôi hỏi một không tám không/ chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ chị tổng đài giọng nhu mì/ à nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều/ hình như là bạn đang yêu?/ không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên/ hình như là bạn đang điên?/ vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han / .../ xong xuôi hết bốn chín ngàn".

 

 

Nguyễn Thế Hoàng Linh và Hở.


Câu chữ "cà tưng" đẩy người đọc vào miền của ngây thơ và tạm thời buông rơi cái cường độ cuồng nhiệt bải hoải của những toan tính thực tại. Mỗi bài thơ là một cách dẫn dụ thoát ly. Nhưng không phải trốn chạy. Mà cung cấp một phương thức nhìn khác, nghĩ khác, cảm nhận khác về đời sống với một khoảng cách đủ để khinh khoái. Và đôi khi, trong cõi ngây thơ đó, Nguyễn Thế Hoàng Linh làm cho người đọc tin rằng, phải là thơ mới gọi đúng tên tinh thần thực tại hơn cả. Tác giả là kẻ luôn đứng ở trung tâm của nhốn nháo nhân sinh để cảm nhận: "Thành phố của anh rất yếu/ lòng người như thiếu lòng cây/ đâm ra khô cằn, chói gắt/ Google một phát ra đầy/ thi thoảng có Tây tươi đến/ hoặc lòng ai bỗng nở hoa/ nên chia trung bình tốt xấu/ có lần may mắn suýt hòa/ lễ hội tưng bừng/ dẫm rác/ bỏ đi/ dẫm cứt/ bỏ đi/ dẫm phải thân người la hét/ mà không biết phải làm gì" (bài Đông Dương).

Và, sự thật vốn là bạn thân của tinh thần hài hước, chống lại sự toàn trị của cái nhạt nhẽo trong đời sống: "Mi có buồn không/ Khi gieo thành công/ Vào đầu đám đông/ Những điều nhạt nhẽo/ Nở thành thị trường mênh mông" (bài Mi có buồn không).

Tập thơ thứ ba, với 100 bài thơ, với "bình cũ rượu mới", Nguyễn Thế Hoàng Linh có thể là một trong những nhà thơ trẻ hiếm hoi tại Việt Nam có đám đông độc giả đọc và thuộc thơ mình.

Đến lượt đám đông sẽ tìm cách chống lại "những điều nhạt nhẽo" bằng cách dừng lại giữa hai dòng thơ. Đó có lẽ là lý do mà trong thời bận rộn này, người làm thơ vẫn được sinh ra đông đảo. Không có lý gì thơ chết.

 

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage