Bạn đang ở đây

Những khoảnh khắc cảm động trong lễ viếng tướng Giáp

Người phụ nữ phát hơn nghìn chiếc bánh mì miễn phí, các gia đình tập hợp từ 4h sáng, các ông bà cụ tuổi ngoài 90 vẫn cố gắng xếp hàng chờ đợi...là những hình ảnh gây xúc động trong ba ngày đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong ba ngày đầu gia đình tướng Giáp mở cửa cho người dân vào viếng Đại tướng, nhiều hình ảnh gây xúc động đã diễn ra trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội). Ông Nguyễn Sỹ Lý, một công chức của Bộ Ngoại thương cũ đã nghỉ hưu, ông đến từ 4h sáng để xếp hàng mong mỏi được vào thắp hương. Ông tâm sự, tranh thủ viết vội trên tấm bảng, hy vọng được Đại tướng nhìn thấy mình trong dòng người đông nghẹt. "Trong lòng tôi chỉ tôn thờ mỗi tướng Giáp, cụ là người anh hùng dân tộc sống mãi với non sông, với lịch sử dân tộc Việt Nam", ông nói.
Bà cụ Huệ ở phố Hàng Vải, tuổi đã cao, chân đi không vững nhưng vẫn cố gắng một mình tìm đến nhà số 30 Hoàng Diệu. Vừa nhìn thấy người già yếu, đội thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng hỗ trợ dìu cụ đi sang đường và ưu tiên cho cụ không phải xếp hàng.
Còn bà Lê Thị Hãnh (78 tuổi) từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa ra Hà Nội. Dù biết sẽ phải sau 4 đến 5 tiếng nữa mới được thắp hương nhưng cũng sẵn sàng xếp hàng từ Quảng trường Ba Đình, cách nhà tướng Giáp 2km. Trước đó bà và các con cháu đã tập hợp từ ngày hôm trước để cùng nhau lên thủ đô.
Cô Nguyễn Thị Thảo, một người dân ở phố Hoàng Hoa Thám tình nguyện mỗi ngày mang 1000 chiếc bánh mì đến đây phát miễn phí. Cô bảo, không phải là phục vụ người nghèo mà là cho những người vội đi xếp hàng không kịp ăn sáng. "Tôi không giàu cũng chẳng nghèo. Tiền thì tôi không nhiều nhưng cũng không ít. Đây là một cách mà tôi đền ơn đáp nghĩa cụ Giáp. Cụ có công lao lớn đối với đất nước thì vài trăm chiếc bánh mì của mình chỉ là hạt cát trên sa mạc mà thôi", cô Thảo tâm sự.
Còn chị Nguyễn Thị Như Quỳnh và con gái nhỏ 1 tuổi từ Yên Bái về quyết tâm chờ đợi bằng được để thắp hương cho Đại tướng. Chị tâm sự, khi nghe tin Đại tướng qua đời đã rất buồn, "đất nước ta giờ tướng lĩnh giỏi của thế hệ trước giờ chỉ còn mỗi tướng Giáp là còn sót lại thôi, do vậy tôi và cháu quyết định nghỉ làm vài buổi về đây viếng cụ", chị vừa cho con ăn vừa nói.
Cả gia đình chị Nguyễn Thị Nhung từ Kinh Môn, Hải Dương về đội nắng xếp hàng. Hai vợ chồng chị thay nhau bế cháu bé 1 tuổi không quản ngại nắng nôi chờ đợi.
Cụ Phùng Văn Hiên (88 tuổi) ở quận Tây Hồ cũng có mặt từ 6h. Cụ vừa đứng vừa suy tư rất nhiều về Đại tướng. Trước đây, cụ Hiên cũng là một người lính từng chiến đấu trên nhiều mặt trận trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Thành viên ban tổ chức lễ viếng đã đi dọc theo dòng người xếp hàng tìm những cụ già cao tuổi đã gặp cụ Hiên và dắt tay ưu tiên vào trước.
Anh Vinh, một nhân viên công sở đã xin nghỉ đưa mẹ đi viếng. Anh xác định xếp hàng lâu nên mua sẵn 4 chiếc bánh mì cho cả hai mẹ con để vừa ăn sáng lẫn ăn trưa.
Tuấn Anh và các nhân viên trong công ty của mình đến xếp hàng từ 5h. Do 8h mới mở cửa, anh tình nguyện cứ đứng bê lẵng hoa chôn chân một chỗ suốt mấy tiếng.
Anh Tiến, một nhân viên Cục sở hữu trí tuệ xếp hàng từ 5h, quyết định tháo dỡ bức ảnh treo trên tường cơ quan mình để mang đến đặt tại nhà tướng Giáp. "Sau 4 tiếng đồng hồ tôi đã di chuyển được 10 mét", anh kể.
Lẫn trong dòng người xếp hàng là anh Trần Trung Dũng, một người từng công tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Anh bảo, để vào thắp hương được một lần cho thần tượng của đời mình thì cho dù có đến tối anh cũng chấp nhận.
Cô Nguyễn Thùy Hương, một cựu binh thanh niên xung phong bị lọt thỏm trong dòng người chờ đợi đến lượt vào viếng.
Một cô gái trẻ với tâm trạng ưu tư trước giờ mang hoa vào viếng.

 

 

Theo Tri Thức

 

people like INLOOK.VN fanpage