Bạn đang ở đây

Ông Nguyễn Văn Hải - GĐ Dự án BMC: Người giữ "hồn" Tây Nguyên

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Dự án Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (BMC) nổi tiếng với tên “Hải Tây Nguyên” vì có thú “chơi độc”. Trong hơn 15 năm qua, ông đã sưu tầm khoảng 1.000 hiện vật Tây Nguyên và nhiều cổ vật của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo...

 

Với Tây Nguyên: Từ khâm phục đến say mê

Ông Hải chia sẻ về niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên của mình:

- Tôi xuất thân là dân xây dựng, chuyên về trang trí nội thất, nên rất yêu cái đẹp. Vì thế, khi có dịp lên Tây Nguyên làm việc, vào các quán cà phê thấy treo gùi, nỏ, những dụng cụ lao động hằng ngày của bà con các dân tộc thiểu số rất đẹp, tôi đã mua về làm vật trang trí trong nhà và tặng bạn bè.

Sau này công ty chúng tôi có nhiều công trình trên Tây Nguyên, có dịp tìm hiểu về đời sống của bà con, tôi thấy họ rất thật thà và dễ mến. Điều đó làm tôi say mê.

Tuy không biết uống rượu nhưng tôi lại say cái men thật thà ấy, tôi say cả bầu trời, không khí trong lành của Tây Nguyên nữa. Nếu bạn đã từng lên Tây Nguyên, sống hay chỉ ăn với người dân ở đây một bữa cơm, bạn sẽ hiểu người Tây Nguyên rất chân thành.

Trong nhà có cái gì quý họ đều mang ra tiếp khách, và họ không lấy bất cứ thứ gì của ai. Tôi rất khâm phục tính sáng tạo của người Tây Nguyên, những dụng cụ hằng ngày trong sinh hoạt cũng như đời sống của họ đều làm từ mây, tre, lá, gỗ, da thú...

Từ sự khâm phục, tôi say mê người Tây Nguyên lúc nào không hay. Nếu không có sự say mê đó chắc tôi không đủ sức để có thể đưa rất nhiều hiện vật từ rừng núi hẻo lánh về đến thành phố.

* Hiện vật đầu tiên ông sưu tầm được là gì?

- Đó là một chiếc đàn Chapi do Nghệ sĩ nhân dân Y Moan tặng. Sau này ông ấy còn tặng tôi nhiều món quà nữa. Sự ra đi của người nghệ sĩ tài năng ấy là niềm tiếc nuối của nhiều người, trong đó có tôi.
 

* Ông có thống kê được cho đến nay đã sở hữu bao nhiêu hiện vật về Tây Nguyên?

- Tôi bắt đầu sưu tầm theo đúng nghĩa sưu tầm từ năm 1996, đến nay đã có khoảng 1.000 hiện vật của các dân tộc ở Tây Nguyên. Tôi còn sưu tập cổ vật gốm của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo...

Với xây dựng: Bay bổng thực tại

Tốt nghiệp Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Hải theo nghiệp xây dựng từ khi ra trường đến nay, từ cán bộ kỹ thuật rồi lên đội trưởng đội thi công, chỉ huy trưởng công trình..., và nay là giám đốc dự án.

* Ông về Công ty BMC từ khi nào?

- Tôi làm cho BMC từ năm 1986, khi đó tôi hãy còn trẻ và mơ mộng lắm. Tôi thuộc tuýp người bay bổng thực tại, nghĩa là lãng mạn nhưng không xa rời thực tế. Ngày đó, trong đầu tôi thường có suy nghĩ làm sao để trên mỗi tỉnh thành đều có bóng dáng công trình của BMC. Và cho đến giờ, sau hơn 20 năm, điều đó đang dần trở thành hiện thực.

* Điều gì làm ông gắn bó với BMC cho đến ngày hôm nay?

- Tôi gắn bó với BMC vì ở đây tôi có thể là mình và tôi làm được những điều mình thích. Từ trước đến giờ, trong cuộc sống cũng như công việc, tôi luôn tâm niệm ba điều: Tôn trọng - hiểu biết - thông cảm.

* Ông thể hiện điều đó trong công việc và cuộc sống thế nào?

- Trong công việc, tôi luôn đặt mình vào vị trí của người khác để xử lý tình huống cũng như khắc phục những sự cố bất thường. Lúc nào cũng thế, mình có tôn trọng người thì người mới tôn trọng mình, với cấp trên hay cấp dưới cũng vậy.

Nhiều khi nhìn những thành quả mình đạt được, tôi thầm cám ơn tất cả, nhất là những công nhân lao động, vì họ đã cùng mình hoàn thành nhiều công trình đúng tiến độ.
 

* Theo ông, người làm lĩnh vực xây dựng và nhất là một giám đốc dự án cần phải có tố chất gì?

- Bất kể làm việc gì, sự học hỏi và tinh thần cầu tiến luôn là điều quan trọng đầu tiên. Càng giữ những cương vị có trọng trách thì càng phải học hỏi, nắm bắt thông số kỹ thuật để hiểu về những dự án mà mình sẽ thực hiện, thường xuyên tìm hiểu về thông tin, kỹ thuật xây dựng mới trên thế giới...

* Trong công việc, khách hàng thường tìm đến ông hay ngược lại?

- Cả hai. Trước đây khi mới vào nghề, và khi BMC còn chưa lớn mạnh như ngày nay, tôi phải tìm đến khách hàng, phải thuyết phục để họ tin tưởng giao cho mình dự án. Khi mình làm tốt thì tự khách hàng biết và tìm đến. Đó là kết quả của sự nỗ lực.

* Ông nhận xét gì về ngành xây dựng hiện nay của nước nhà?

- Trong những năm gần đây, có thể nói ngành xây dựng của Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, TP. HCM đã có sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên sự phát triển này đang còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Cứ nhìn vào kết cấu hạ tầng đô thị hiện nay thì thấy sự thiếu đồng bộ thể hiện ngay trong những tòa cao ốc, các trung tâm thương mại được xây dựng mà không có khuôn viên, không có bãi giữ xe...
 

* BMC có tham gia vào những công trình như vậy không?

- Có. Nhưng luôn tư vấn để điều chỉnh sao cho hợp lý nhất, để cả nhà đầu tư và bên thi công đều chấp nhận được.

 

Với cuộc đời: Toàn tâm mỗi ngày

Bộ sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên của ông Hải hiện được trưng bày và bảo quản tại nhà riêng của ông (ở đường Lương Định Của, P.An Khánh, Q.2, TP.HCM). Ông chia sẻ:

- Tôi đang ấp ủ mở một quán cà phê trưng bày các bộ sưu tập của mình, để những ai muốn tìm hiểu đôi chút về Tây Nguyên, thì ngay trong lòng thành phố vẫn có thể được.

Ban đầu sưu tầm vì ý thích cá nhân, nhưng khi càng tìm hiểu sâu về Tây Nguyên tôi càng say mê vốn văn hóa, sự sáng tạo độc đáo của người dân vùng đất này. Rồi từ đó tôi mới có ý thức giữ lại nét văn hóa này, sợ thời gian làm nó bị mai một đi.

* Để đưa được những hiện vật ấy từ vùng đất xa xôi kia về thành phố hẳn không đơn giản, thưa ông?

- Mỗi hiện vật tôi có hôm nay là cả một câu chuyện dài. Hiện vật thường nằm rải rác trong các buôn làng, vận động gia chủ bán cho mình và đưa hiện vật về nhà mình có khi khó như nhau.

Như để có một chiếc trống da voi, tôi phải tìm hiểu nhiều ngày, kết thân với già làng rồi mới ngỏ ý điều mình muốn. Nếu có thể bán, già làng sẽ họp làng hỏi ý kiến mọi người rồi mới quyết định. Để khênh được chiếc trống mua được ra đầu đường phải cần tới 6 thanh niên, rồi phải thuê xe chuyên dụng chở đi.

Hay như chiếc thuyền độc mộc, cũng phải rất vất vả mới sở hữu được nó. Trong một lần tình cờ, thấy có người đang chèo chiếc thuyền ấy, tôi hỏi mua.

Người ta không bán, nhưng vì đã thích nên tôi không ngần ngại ngồi đợi họ gần cả ngày trời, khi họ đồng ý bán mới chịu về xuôi. Mua được rồi, vận chuyển về mới khó, vì chiếc thuyền rất dài, lại nặng. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã đưa được nó về nhà để bổ sung thêm cho đủ bộ dụng cụ sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Tây Nguyên.

* Ông có bị từ chối lần nào?

- Có chứ! Nhiều lắm, nhưng vì đam mê, mình cứ thuyết phục hết lần này đến lần khác. Bởi hiện vật thì nhiều khi chỉ có một, nên nếu người dân Tây Nguyên để mất thì sẽ không còn nữa.

Tôi muốn lưu giữ văn hóa Tây Nguyên cho chính người Tây Nguyên. Bởi trong những năm gần đây, do nạn du canh du cư, phá rừng làm rẫy, rồi sự đô thị hóa..., một bộ phận người Tây Nguyên thay đổi một cách nhanh chóng. Nền văn hóa độc đáo của Tây Nguyên mà bị rơi vào quên lãng thì không thể chấp nhận được!
 

* Người ta bảo người giàu mới chơi đồ cổ...

- Với tôi, cổ vật, hiện vật không thể tính được bằng tiền, vì có những món mình đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức mới có được. Và đôi khi cổ vật, hiện vật đó chỉ có một, không có cái thứ hai nên cũng không thể tính thành tiền được.

Nói về thú chơi cổ vật, người tài chính dư giả thì chơi đồ quý như đồ chuyên dụng của vua chúa (đồ ngọc, đồ vàng...); người tài chính ít thì chơi đồ dân dụng (đồ sinh hoạt hằng ngày). Ai cũng có thể chơi cổ vật nếu có niềm đam mê.

* Ông cân bằng giữa công việc và thú chơi như thế nào?

- Sau mỗi ngày làm việc, tôi lại tìm tài liệu về những hiện vật mà mình đang có, muốn có. Trong mỗi chuyến công tác, tôi luôn tranh thủ kết hợp vừa làm vừa chơi, tức đi tìm cổ vật. Tôi rất ít khi bị căng thẳng trong công việc, có lẽ một phần nhờ thú chơi ấy.

Trong máy điện thoại tôi có lưu mấy câu thơ: “Cuộc sống đây là quán trọ tạm/Ta thuê từ bé đến khi già/Cầm kỳ thi tửu đều qua hết/Tuyết nguyệt phong trần cũng trải qua/Trăm năm chờ đợi khi tàn cuộc/Nấm mộ cồn cao đây chính nhà”.

Tôi quan niệm cuộc đời này giống như một quán trọ, cõi tạm. Cuộc sống này tuy dài nhưng lại rất ngắn ngủi, những người ngày hôm nay ta gặp ngày mai có thể đã không còn. Vì thế tôi sống đơn giản, sống ngày nào là mình toàn tâm ngày đó

.

Theo DNSG

people like INLOOK.VN fanpage