Bạn đang ở đây

Một số lưu ý khi dùng tỏi

Tỏi là một gia vị thông dụng của mọi gia đình. Từ thời cổ đại ở Ai Cập, người ta đã biết dùng tỏi để làm thuốc sát trùng trong các loại bệnh hen suyễn, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột. Kinh nghiệm dân gian nhiều nơi cũng biết dùng tỏi để sát trùng ngoài da, chữa bò cạp, rết cắn, chữa mụn cóc, hạt cơm mọc trên da.

Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của 2 loại bệnh tim mạch và ung thư, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến tác dụng chống oxy hoá, chống đột biến tế bào, hạ độ mỡ trong máu và làm giảm nguy cơ máu đông của một số hoạt chất trong tỏi.

Nhiều kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy ở bất kỳ dạng nào, tỏi cũng đều là chất sử dụng rất an toàn và hiệu quả trong phòng chống bệnh tật. Với khoảng một hoặc hai nhánh tỏi dùng trong bữa ăn hằng ngày là liều lượng tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện sản phẩm "siêu tỏi". Sản phẩm này không những không được ưa chuộng bởi nó gây ra khá nhiều mối đe dọa mà còn làm hạ uy tín của các loại thuốc thiên nhiên.

Người tiêu dùng làm mọi cách để tránh dùng bất kì thứ gì liên quan đến những chất bổ sung tỏi này bởi theo họ, nó quá mạnh và không có mùi tỏi. Một số sản phẩm còn được chế tạo thành dạng viên và cũng không có mùi tỏi.

 


Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, hoàn toàn không cần thiết phải ăn tỏi, dưới mọi hình thức, với liều lượng lớn như vậy. Ta chỉ cần hình dung đến những gì cơ thể sẽ phải trải qua khi một lượng lớn thực vật thân thiện trong cơ thể bị "giết chết" với tốc độ nhanh bất thường như vậy là ta sẽ hiểu có nên bổ sung quá nhiều tỏi cho cơ thể hay không.
 
Ngoài ra, việc dùng tỏi "quá liều" còn có thể khiến bạn bị đầy hơi trầm trọng, nóng trong ruột gan, nóng trong người và một số triệu chứng khó chịu khác.

Người tiêu dùng được khuyến cáo nên dành thời gian để đọc kỹ nhãn hiệu để biết có những gì trong các thành phần và liều lượng của mỗi thành phần có trong thực phẩm bổ sung tỏi là bao nhiêu.

Các cách sử dụng tỏi hiệu quả và phổ biến nhất là sử dụng tỏi tươi, có thể ăn sống hoặc cho vào nước chấm, tỏi ngâm giấm hoặc rượu tỏi.

 


Ăn tỏi sống có lợi vì chất allicin có thể được xem là chất kháng sinh tự nhiên có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn trong khoang miệng. Tuy nhiên ăn nhiều quá cũng không có lợi vì dạ dày sẽ dễ bị kích thích trực tiếp và chất allicin trong tỏi có thể gây ra chứng tan máu. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10 g tỏi là hoàn toàn vô hại.

Không nên dùng tỏi khi dạ dày đang trống rỗng. Nếu bạn ăn tỏi trước hoặc trong bữa ăn, mà đơn thuần chỉ là ăn tỏi không thì rất có thể bạn sẽ gặp những triệu chứng tương tự như bị loét dạ dày. Bởi chất allicin trong tỏi được cho là nguồn chủ yếu về tính chất kháng sinh của tỏi sẽ phát tác và gây cảm giác nóng trong bụng. Vì vậy, nếu muốn ăn tỏi, bạn nên ăn cùng các loại thức ăn khác và ăn khi no bụng để tránh những tác dụng phụ này.

Sử dụng tỏi ngâm giấm hoặc đường cũng rất tốt do trong môi trường axit, tác dụng của tỏi sẽ tăng lên.

Rượu tỏi cũng là dạng sản phẩm được sử dụng phổ biến. Rượu tỏi có thể được sử dụng 1 - 2 lần trong ngày với mỗi lần 20 - 25 ml cho tác dụng tốt đối với sức khỏe. Tỏi ngâm rượu còn có công dụng chữa các bệnh thấp khớp, huyết áp, viêm họng, hen phế quản, trĩ nội, viêm loét dạ dày tá tràng, ăn khó tiêu, ợ hơi...

Nếu tỏi tươi gây mùi khó chịu khi sử dụng thì có thể làm chín tỏi một phần, hoặc sử dụng tỏi bột hay dầu tỏi. Tỏi bột thực tế là tỏi sấy khô nghiền ở nhiệt độ cao, giảm mùi hắc của tỏi nhưng vẫn còn tác dụng. Cũng có thể chọn loại tỏi không quá tươi để giảm mùi hôi. Ngoài ra các cách tốt nữa là ăn ngò vì ngò có tác dụng khử mùi hôi của tỏi hoặc súc miệng ngay, ăn vài lá trà hoặc uống trà, ngậm kẹo hoặc sử dụng các chất khử mùi như kẹo cao su, hoa quả chua (như táo) sẽ làm mất hoặc giảm phần lớn mùi hăng của tỏi…

 

Theo BGD

people like INLOOK.VN fanpage