Bạn đang ở đây

Lúc nào thì dùng "nét tay" trên dSLR?

Với một số trường hợp, người chụp cần phải biết cách ứng dụng khả năng lấy nét tay vốn có của ống kính để ảnh chụp được chính xác và tốt hơn.

Sở hữu một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp dSLR không đồng nghĩa với việc chúng sẽ "tự động" giúp chúng ta chộp được mọi khoảnh khắc ảnh như ý muốn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta buộc phải tự cân chỉnh mọi thông số cũng như lấy nét ảnh bằng sự điều khiển của tay và mắt để cho kết quả ảnh như mong đợi.  

Dưới đây là các trường hợp lấy nét bằng tay hiệu quả hơn chế độ tự động.

1. Chụp macro

 

Nhiều người nghĩ rằng chụp macro thì nên sử dụng lấy nét tự động vì đối tượng chụp thường rất nhỏ lại hay di chuyển, nên nếu lấy nét tay thì sẽ khó chụp. Điều này không hoàn toàn đúng. Khi chụp macro, nhất là khi kết hợp ống kính macro chuyên dụng và bộ nối ống, trường ảnh nét thường là rất hẹp và rất khó lấy chính xác bằng "chế độ tự động" (auto-focus) nên người chụp cần tỉ mẩn lấy nét bằng tay từng chút một để điều chỉnh DOF (depth of field)  "khớp" vào đúng đối tượng cần chụp. Sử dụng tripod để triệt tiêu các chuyển động gây rung máy, rung ống kính dẫn đến lấy nét sai.

2. Ánh sáng yếu.

Trong điều kiện ánh sáng yếu, máy ảnh rất khó lấy nét chuẩn vào đối tượng và ống kính sẽ thường bị hiện tượng "focus hunting" để tìm điểm lấy nét. Điều này kéo dài quá trình chụp và khó bắt lại được khoảnh khắc đáng giá. Chuyển sang lấy nét tay sẽ giúp lấy nét chính xác và chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu dễ dàng hơn.

3. Chân dung.

Trong những tấm ảnh chụp người, đôi mắt là nơi thể hiện cảm xúc rõ ràng nhất nên thường được chọn làm đối tượng lấy nét. Với cách chụp chân dung thông thường sẽ được áp dụng bằng cách lấy nét tự động vào mắt rồi sau đó mới bố cục lại khung ảnh, tức là với mỗi bức hình khác nhau, người chụp đều phải lặp lại quá trình này. Nếu sử dụng lấy nét tay, người chụp sẽ tiết kiệm được thời gian cho quá trình tạo dựng lại bố cục bức ảnh, đồng thời cũng dễ dàng thể hiện được ý tưởng của mình.

4. Chụp qua kính, hàng rào.

Máy ảnh rất khó phân biệt được vùng nào cần lấy nét do không phân biệt được đối tượng chụp khi phải nhìn vật thể qua kính hay hàng rào. Trong trường hợp này, lấy nét tay sẽ chủ động xác định được dễ dàng vùng ảnh rõ và đối tượng muốn chụp.

5. Chụp ảnh thể thao, hành động.

Khi chụp ảnh thể thao hay hành động, đối với đối tượng di chuyển nhanh (đua xe, chạy việt dã hay chim chóc, động vật di chuyển), máy ảnh sẽ dễ bắt nét sai làm hỏng toàn bộ bức hình, thậm chí cả series. Ngay cả khi sử dụng chế độ bắt nét liên tục, người chụp cũng dễ dàng để lỡ khung hình ưng ý vì không lia máy kịp với chuyển động. Do đó, khi chọn lấy nét tay bạn sẽ chủ động lấy nét trước (pre-focus) vào khu vực đối tượng sắp sửa đi qua để có thể canh được khung hình như ý muốn. Để thực hiện được điều này, người chụp cần căn thời gian thật chuẩn và sử dụng chế độ chụp liên tục.

Bạch Viên

people like INLOOK.VN fanpage