Bạn đang ở đây

Tranh tường Khmer: Nét đẹp văn hóa độc đáo của Nam bộ

Sáng nay NXB Văn hoá - Văn nghệ tổ chức buổi giao lưu với chủ đề "Tìm hiểu về di sản Mỹ thuật truyền thống Nam Bộ" với sự tham dự của hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Huỳnh Thanh Bình và nhóm tác giả cộng tác, đáng chú ý là tập chuyên khảo Tranh tường Khmer Nam bộ.

 

Có thể khẳng định rằng, cùng với các đồng bào dân tộc anh em khác, người Khmer đã và đang là một bộ phận không thể rách rời của dân tộc Việt Nam với bề dày xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời kiến tạo nét văn hóa đặc trưng riêng trong suốt chặng đường phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có hơn 1 triệu người Khmer tập trung cư trú ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang...

Tuy nhiên văn hóa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là một tổng hòa pha trộn nhiều luồng văn hóa khác nhau: một là, bảo lưu các dạng tín ngưỡng thờ cúng nhiên thần, các thần linh bảo hộ thị tộc, cộng đồng; hai là, các tín niệm Bà La Môn giáo vẫn còn bảo lưu trong phong hóa, thấy trong kho tàng thần thoại và truyền thuyết, các sáng tác văn học cổ, các tuồng tích sân khấu, cũng như được biểu hiện qua mỹ thuật như tranh vẽ, điêu khắc và trong một số tín ngưỡng - phong tục hiện nay; và ba là, Phật giáo Nam tông đã và đang là dòng văn hóa chủ đạo. Mặt khác, do quá trình giao lưu và sống hòa hợp với các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Chăm nên ảnh hưởng qua lại cũng tạo nên một sắc thái riêng cho văn hoá Khmer đồng bằng sông Cửu Long.

Tranh tường trên trần sala/nhà hội chùa Chưn Num (Tà Pạ), Tri Tôn, An Giang

Cùng với văn hóa - nghệ thuât, thì đồng bào người Khmer tại Việt Nam cũng có một truyền thống hội họa đáng chú ý. Xét về tổng quát, di sản hội họa Khmer gồm có các loại tranh vẽ khác nhau: Một là, loại tranh dân gian được vẽ bằng bột màu trên các tập giấy xếp, được gọi là kờrăng nói trên. Kết quả điều tra cho thấy đây là các tập tranh minh họa trong các sách viết về việc xem tuổi để đoán vận may theo 12 con giáp hoặc sách đoán vận mệnh theo các nhân vật chính yếu của truyện Riêmkê, dị bản Khmer của sử thi Ramayana cổ đại Ấn Độ, hoặc tranh vẽ minh họa các tình tiết của các truyện kể về tiền kiếp của đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, tức Jataka (kinh Bổn Sanh). Loại tranh vẽ này được thực hiện với đường viền đen đậm và tô các màu nguyên theo phong cách dân gian. Hai là, loại tranh Phật vẽ trên vải preah bot. Đây là loại tranh cuộn thuộc truyền thống mỹ thuật Phật giáo vẽ về các kỳ tích của đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập niết bàn và thêm vào đó là tranh vẽ vị Phật vị lai là Bồ Tát Xêa-mêtrây, cùng tranh Ngũ Phật. Loại tranh này tuân thủ khá nghiêm túc quy phạm đồ tượng học Phật giáo Nam tông và chúng được dùng để trang nghiêm các rạp lễ trong các dịp lễ hội tại chùa hay trong các đám làm phước của phum sóc, hay tại tư gia. Ba là, bích họa ở các chùa, tháp, sala. Đây là một đại tập thành phong phú về số lượng, đề tài, kỹ pháp và phong cách tạo hình nghệ thuật. Tính trung bình mỗi chùa có đến hàng trăm bức theo các phong cách nghệ thuật khác nhau, được vẽ bằng các chất liệu khác nhau, theo các nhóm nghệ nhân địa phương khác nhau. Bốn là, truyền thống hội họa này là tiền đề quan trọng để hình thành nên các loại tranh kiếng Khmer với kiểu thức đặc trưng của mình trong các cộng đồng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói rằng, mỹ thuật đóng vai trò quan trọng, phổ biến trong đời sống của cộng đồng Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Điều này thể hiện trước hết trên các công cụ lao động lẫn đồ dùng sinh hoạt thường ngày. Chúng ta có thể tìm thấy chiếc hái cắt lúa trang trí hình chim, rắn thần; chiếc nọc cấy trang trí hình hoa hay dạng thức hình học; hay chiếc xe bò có càng dài cong vút, chạm trổ tỉ mỉ… hay ghe thuyền, ghe ngo… hoặc các món đồ dùng đan mây, tre như thúng, rổ, làn, giỏ đến thể hiện trên các loại nhạc cụ, mặt mạ sân khấu Ròbâm cũng như các hoa văn trang trí trên vải… tất cả đều có thể trở thành những nghệ phẩm dưới bàn tay tạo tác khéo léo của người nghệ nhân Khmer nơi đây.

Nghệ thuật tạo hình chủ yếu tập trung ở các công trình kiến trúc trong khuôn viên nhà chùa, đó là ngôi chính điện, sala (nhà tăng, nhà hội), tháp đựng cốt, lò hỏa táng, trường chùa. Các công trình kiến trúc này không được bố trí theo một bình đồ khuôn mẫu nhất định. Công việc xây dựng cũng được tiến hành lần lượt, tùy theo khả năng đóng góp của dân sóc nên không thực hiện toàn bộ cùng một lúc. Đối với người Khmer, đóng góp công sức, của cải cho việc xây dựng và trùng tu chùa có ý nghĩa là để tạo phước cho đời này và đời sau; vì vậy nên một ngôi chùa càng đồ sộ, càng mỹ thuật càng tốt và ngôi chùa tất nhiên trở thành công trình tập trung giá trị nghệ thuật cao nhất đại biểu cho tài năng và kỹ xảo của cộng đồng người Khmer. Chính vì vậy có thể nói rằng kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Khmer Nam bộ nói chung là mỹ thuật Phật giáo. Khi tôn giáo có địa vị vững vàng trong đời sống văn hóa - xã hội thì đặc trưng văn hóa dân tộc cũng được thể hiện qua hình thức tôn giáo ấy mà ở đây là Phật giáo Nam tông.

Do Phật giáo Nam tông là tôn giáo chủ đạo nên ngôi chùa không chỉ là cơ sở tín ngưỡng, tâm linh mà còn là trung tâm cho các sinh hoạt cộng đồng; do đó, ngôi chùa cũng là đại diện tiêu biểu cho mỹ thuật Phật giáo Nam tông nói chung và của cộng đồng người Khmer từng địa phương nói riêng khi từ chánh điện đến sala, tháp đựng tro cốt, lò thiêu… từ cột kèo, bao lam, tường trong hay tường ngoài, hàng hiên… từ cổng chùa đến vườn chùa… đâu đâu cũng là những phù điêu, hoa văn, tranh tượng được thể hiện, tạo tác với các đề tài, nội dung chủ vào đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, các chư thiên và linh vật của Phật giáo Nam tôn, thỉnh thoảng chen vào đó là các vị thần bản địa Khmer, và ít hơn là các nhân vật chính của truyện Riêmkê.

Trong tập sách Tranh tường Khmer Nam bộ của tác giả Huỳnh Thanh Bình do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM vừa ấn hành, chúng ta sẽ được khái quát gần như đầy đủ văn hóa Khmer tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; lịch sử, kiểu thức và phong cách, kỹ thuật sáng tác tranh tường; và quan trọng hơn hết là gần 140 trang mô tả cực kỳ chi tiết về nội dung tranh tường các thể loại, từ tích truyện, diễn giải và các thông tin liên quan khác vốn là công trình nghiên cứu điền dã, sưu tập tài liệu, đọc cổ văn - kinh sách, trực tiếp chụp ảnh trong khoảng ngót nghét 10 năm của nhà nữ nghiên cứu trẻ.

Đọc tập sách này, chắc chắn độc giả sẽ bất ngờ với kho kiến thức mà tưởng chừng đã bị quên lãng cùng thời gian.

 

people like INLOOK.VN fanpage