Bạn đang ở đây

Cao huyết áp: sát thủ thầm lặng đe dọa trẻ nhỏ

Thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị hôn mê sâu, co giật do bị cao huyết áp từ lâu mà gia đình không biết đến khi nặng mới đưa đến bệnh viện.
Đây mối nguy hiểm đe dọa  đến tính mạng của trẻ mà nhiều bậc phụ huynh bỏ qua.

Không nên bỏ qua các dấu hiệu cao huyết áp ở trẻ nhỏ

Căn bệnh cao huyết áp đang ngày càng được trẻ hóa, thậm chí xuất hiện ở cả trẻ  nhỏ.
 
Lý giải điều này, BS. Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết bất kể bệnh gì xuất hiện ở người lớn tuổi thì cũng đều có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ. Vì thế bệnh cao huyết áp ở đối tượng trẻ nhỏ vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, ở các đối tượng béo phì và thừa cân, khả năng cao huyết áp cao gấp 3 lần. Những người mắc các bệnh về thận, bệnh hẹp động mạch thận, bệnh về động mạch chủ, xem tivi hay chơi game vi tính quá lâu… cũng có nguy cơ cao huyết áp.
 
Trẻ càng lớn càng nhiều khả năng bị huyết áp cao mà khó xác định được nguyên nhân. Huyết áp cao vô căn phát hiện chủ yếu ở tuổi thiếu niên và người lớn. Đa số thiếu niên huyết áp cao có nguyên nhân như người lớn như: tiền sử gia đình, chế độ ăn, căng thẳng, béo phì, thiếu luyện tập thường xuyên. Dùng quá nhiều rượu và chất gây nghiện cũng có thể gây huyết áp cao.
 
Đối với trẻ sơ sinh cũng có thể bị bệnh huyết áp cao. Nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao ở trẻ sơ sinh là những biến chứng của sinh non như huyết khối trong động mạch thận hay loạn sản phế quản phổi. Nguyên nhân thường gặp khác ở trẻ sơ sinh là bất thường thận bẩm sinh và hẹp eo động mạch chủ.

Trẻ bị huyết áp cao thường có biểu hiện nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù… Nếu trẻ bị huyết áp cao mà không được điều trị sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như bị suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não hay bệnh não do cao huyết áp. Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu cao huyết áp nói trên, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán cao huyết áp và tìm nguyên nhân điều trị.

bệnh huyết áp cao ở trẻ em

Bệnh huyết áp cao là mối nguy hiểm đe dọa  đến tính mạng của trẻ mà nhiều bậc phụ huynh bỏ qua. Ảnh minh họa

Phát hiện sớm bệnh tránh những tai biến
 
 Chia sẻ điều này BS Hiền cho biết, trên thực tế nhiều trường hợp trẻ bị hôn mê sâu, co giật do bị cao huyết áp từ lâu mà gia đình không biết đến khi bé bị nặng mới đưa đến bệnh viện. Điều nguy hiểm của bệnh là phát triển âm thầm và không được chú ý. Bệnh cao huyết áp ở trẻ nguy hiểm không khác gì căn bệnh cao huyết áp ở người lớn tuổi. 
 
Biến chứng thường gặp ở trẻ bị cao huyết áp là ngừng thở khi ngủ, tình trạng mà trẻ có thể ngáy to hoặc thở bất thường khi ngủ. Hãy chú ý tới những vấn đề về hô hấp mà trẻ có thể gặp phải trong khi ngủ. Những trẻ có vấn đề hô hấp rối loạn khi ngủ như ngừng thở thường có huyết áp cao - đặc biệt những trẻ thừa cân. Bệnh này cũng có thể làm cho trẻ đột quỵ, đau tim…
 
Phòng bệnh rất quan trọng 
 
Theo các chuyên gia ở Trung tâm y học Mayo Clinic thì ngoài những tác động về ăn uống và thể chất thì những tác động xấu do stress căng thẳng thần kinh cũng là nguyên nhân rất tiềm ẩn đối với bệnh cao huyết áp ở người trẻ tuổi. Ví dụ như trường hợp những người sống trong gia đình không hạnh phúc, bị lạm dụng tình dục, tổn thương về tinh thần, liên tục sống trong sợ hãi là nhóm người mắc bệnh nhiều nhất.
 
Bs Hiền lưu ý để phòng bệnh, các bậc cha mẹ nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, hạn chế cho trẻ ăn các loại muối tinh bột, chất béo, tăng ăn rau và thực phẩm có nhiều chất xơ.
 
 Với trẻ em bị bệnh huyết áp cao nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, bỏ da bì khi ăn thịt, thêm đậu phụ và các loại đậu khác thay thịt. 
 
Giới hạn thời gian xem tivi hoặc chơi game của trẻ để tránh trẻ căng thẳng về mặt thần kinh không tốt cho những người bị bệnh cao huyết áp.
 
Cho trẻ uống nhiều sữa để bổ sung thêm canxi phòng loãng xương và thêm các chất dinh dưỡng khác.
 
 Ngoài ra, cho trẻ cần được nghỉ ngơi, vui chơi vận động phù hợp với lứa tuổi.
 
Với những trẻ nhỏ bị bệnh gia đình lưu ý dùng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, khám đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa. 
 
Theo Afamily 
people like INLOOK.VN fanpage