Bạn đang ở đây

Những loại rau giúp giảm béo

Rau hẹ, khổ qua là những loại rau quả được nhiều người yêu thích trong bữa ăn hàng ngày. Không những chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, rau hẹ - khổ qua còn giúp tăng cường tiêu hóa, tiêu mỡ và có thể chữa một số bệnh thường gặp.

 

Ăn rau hẹ tăng cường tiêu hóa

Rau hẹ có vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Củ hẹ trị chứng di mộng tinh, đau lưng rất thần hiệu. Tác dụng dược lý của hẹ cao nhất là vào mùa xuân. Rau hẹ hay bông hẹ ngoài việc chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Calci, phosphor, sắt, protein và vitamin… còn chứa chất xơ “dầu phát huy” khá dồi dào. Chất dầu đặc biệt này có thể giúp giảm mỡ trong máu, hỗ trợ làm thông các mạch máu bị các lớp mỡ che lấp, bít kín, kích thích nhu động ruột và dạ dày hiệu quả, nhuận tràng, đẩy ra các chất thải, mỡ cả trong đường ruột, chống táo bón và có tác dụng giảm béo. Rau hẹ còn có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin, làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin trong loại rau này là một kháng sinh mạnh giúp chống tụ cầu và các vi khuẩn khác. Nếu chẳng may bị đau răng, bạn có thể dùng một nắm hẹ (cả rễ) rửa sạch, giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau hoặc vắt nước chấm bông gòn vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi đau hẳn mới thôi. Nếu con bạn bị ho khò khè, dùng lá hẹ cắt nhỏ cho vào chén ăn cơm, sau đó đem hấp cách thủy, lấy nước cốt cho trẻ em uống, rất công hiệu. Nếu bị nhiễm trùng sưng tấy đầu móng tay: Rau hẹ (cả củ và rễ) giã nát, xào với rượu để chườm, bó rồi băng lại.

rau hẹ

Để chữa bệnh táo bón:  Hạt rau hẹ rang vàng, giã nhỏ, hòa nước sôi uống ngày 3 lần, mỗi lần 5 g. Hoặc: Rau hẹ 200 g xắt nhỏ, đậu phụ 100 g xắt quân cờ, miến 50 g ngâm cắt vụn. Xào khô già với nước tương, muối, bột ngọt, hành, gừng, dầu vừng, trộn đều, viên làm nhân. Lấy bột mì 500 g nhồi nhuyễn, cán mỏng, bọc nhân làm thành bánh, chưng chín để ăn. Cũng có thể lấy hẹ 200 g cắt đoạn dài, xào với giá đậu xanh. Để đề phòng táo bón, mỗi buổi sáng có thể giã hẹ lấy nước, uống trước khi ăn sáng.

Rau hẹ là loại rau rất dễ chế biến, bạn có thể ăn sống chấm với các món kho như cá kho tiêu, xào, nấu canh với nấm và đậu hũ non…

Lưu ý: Rau hẹ kỵ mật ong và thịt trâu. Những người bị các chứng âm hư hỏa vượng, vị hư có nhiệt không nên dùng hẹ lâu dài.

Mướp đắng tiêu mỡ

Mướp đắng còn có tên gọi khác là khổ qua, là thực phẩm trường thọ, có nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngoài việc là một phương thuốc có tác dụng nhiều trong chữa bệnh như bệnh đái tháo đường, giảm huyết áp, phòng chống say nắng… mà còn chứa thành phần hoạt tính sinh vật – chất có thể thanh lọc mỡ cao, chất này còn được gọi là thành phần đặc hiệu “bàn tay quét sạch mỡ”, có thể khiến mỡ và lượng đường mà cơ thể hấp thu giảm vào khoảng từ 40% - 60%. Thực nghiệm đã chứng minh mỗi ngày dùng 1 mg chất này sẽ tránh được sự hấp thu khoảng 100 g mỡ và khiến vòng eo của bạn nhỏ hơn 2 mm.

khổ qua

Vitamin C trong khổ qua có thể phòng chống da lão hóa và làm giảm choleserol trong máu. Nhưng vitamin C không chịu được nhiệt nên sau khi gia nhiệt, giá trị dinh dưỡng cơ bản của khổ qua dù không bị mất đi nhưng những người muốn thông qua khổ qua để đạt được mục đích phòng chống da lão hóa và làm giảm choleserol trong máu thì sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thông thường, khổ qua được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày như ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh… bạn có thể thay thế bằng cách uống trà khổ qua hoặc uống từ nước ép của khổ qua.

Ngoài những món ăn thông thường, ngày nay khổ qua còn được chế biến thành một loại trà rất dễ uống và hấp thụ. Trà khổ qua được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể, có thể phát huy được đến 80% thành phần dinh dưỡng.

Cách làm trà khổ qua cũng rất đơn giản: Rửa sạch, sau đó cắt thành những miếng mỏng 1-2 mm, cho lên chảo sấy khô bằng lửa nhỏ, đảo đi đảo lại cho khô nước. Khi nguyên liệu  chuyển thành màu nâu, để nguội, sau đó cho vào hộp đậy kín, cất trong ngăn lạnh của tủ lạnh, có thể để được 2 tháng. Khi uống lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà bình thường, mỗi ngày uống 3 - 4 ly là được.

Cách làm nước khổ qua: Hai trái nhỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn, sau đó dùng lưới lọc hoặc vải lọc để trong ly chắt nước ra và bỏ bã. Thêm vào nửa cốc nước hoặc lượng nước phù hợp với khẩu vị của bạn. Nếu sợ vị đắng của khổ qua, bạn có thể thêm nước chanh, nước táo ép, nước dưa leo ép hoặc nước dâu tây ép. Mỗi ngày uống nửa ly hoặc một ly là được, bạn có thể uống liền hoặc cho vào tủ lạnh để uống dần. 

Theo SK&DD

people like INLOOK.VN fanpage