Bạn đang ở đây

Dạy con ứng phó với mối nguy hiểm từ con vật

Cho trẻ chăm sóc động vật sẽ giúp trẻ hình thành sự mạnh dạn, tự tin. Tuy nhiên, mối nguy hiểm từ con vật đối với trẻ không hề ít, ngay cả thú cưng trong nhà.
 

Chớ làm kẻ gây hấn!

Trừ những thú dữ ăn thịt, hầu hết các con vật đều hiền hòa, không chủ động gây hại cho người; những phản ứng của chúng thường mang tính tự vệ trước kẻ mà chúng cho là gây hấn. Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ không bao giờ được quấy rầy khi thú đang ngủ, đang ăn hoặc chăm sóc con.

Vì không hiểu biết, hồn nhiên hay quá cưng yêu thú vật, trẻ có thể bất ngờ sờ chạm, hôn hít con vật, khiến chúng giật mình, hoảng hốt có thể quay lại cắn, quào. Phải luôn đánh động cho thú nghe thấy, nhìn thấy hoặc ít nhất là đánh hơi thấy mình rồi mới được tiếp cận (không được tiếp cận bất ngờ, nhất là từ phía sau đuôi hoặc lưng).

Tuyệt đối không đụng chạm, nựng nịu, chọc ghẹo con vật lạ. Trẻ cũng không được chạy đuổi theo, không la hét hay trêu chọc, khiêu khích chúng. Nếu thấy con vật bị thương, không được trổ tài “bác sĩ” mà phải báo cho người lớn. Với những con vật đang bị cột xích, nhốt trong chuồng hay đang ở phía sau hàng rào, tuyệt đối không được thò tay vào ve vuốt, cho ăn.


Ảnh minh họa.

Cố gắng giữ bình tĩnh

Phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ tiếp cận an toàn với thú vật. Hướng dẫn trẻ nhận diện ngưỡng giận dữ, tín hiệu sắp tấn công của một số động vật. Khi chó gầm gừ, lùi lại, dựng lông trên lưng hay nhìn chằm chằm vào trẻ, là nó sắp tấn công. Nếu chó (hoặc một số loại thú khác) xông lại, trẻ không được quay lưng bỏ chạy vì chó với bản năng săn bắt và giữ nhà, sẽ “quy chụp” trẻ đích thị là kẻ trộm, và chúng tấn công ngay.

Hãy thật bình tĩnh, đứng yên, hai tay khép sát thân mình, không được la hét; từ từ bước lùi ra xa, rút lui trong tĩnh lặng; tránh nhìn thẳng vào mắt chó vì đó là hành động thúc giục nó lao đến. Nếu chó tấn công, hãy cố gắng tống về phía mõm nó bất kỳ thứ gì: áo khoác, cuốn sách, cặp, xe đạp, nhánh cây để ngăn cản nó tiếp xúc với mình.

Có thể nhảy lên chỗ cao để “tỵ nạn”. Trường hợp bị chó đuổi theo tấn công, hãy nằm lăn ra đất, dùng tay ôm đầu, che mặt, cuộn tròn mình như tư thế bào thai để “thay lời muốn nói” rằng “tôi chịu thua, xin tha”. Trường hợp xấu nhất là bị chó cắn, trẻ phải báo để phụ huynh đưa đi chích ngừa bệnh dại, tránh vì sợ bị la mắng mà giấu nhẹm. Phụ huynh nên căn dặn trẻ rằng khi bị chó, mèo gặm thức ăn hoặc đồ chơi, trẻ đừng cố gắng giành lại mà nên gọi người lớn đến.

Tiên liệu những rủi ro

Phụ huynh phải luôn quan tâm đến trẻ, đồng thời nhắc nhở trẻ đừng mải chơi mà không để ý những nguy cơ rình rập. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều bi kịch đau lòng khi trẻ ngồi đại tiện, bị chó táp mất bộ phận sinh dục; trẻ bị gà mổ vào mắt khi hiếu kỳ thò đầu coi ổ gà ấp; trẻ bị ong, kiến, mối và các loại côn trùng khác chui vào tai, mũi; trẻ bị gà lôi, ngỗng dí chạy khiến vấp té chấn thương, ngã nhầm đống lửa, lọt xuống ao, giếng; trẻ cho thú ăn bị thú cắn nát bàn tay… Đó là chưa kể những nguy cơ khác như trẻ có thể nhiễm vi rút, dịch bệnh khi tiếp xúc với gia cầm, chó, mèo, khỉ…

Khi dắt trẻ vào sở thú, trang trại, đi rừng, phụ huynh phải lường trước những rủi ro có thể xảy đến. Xem chuồng trại có an toàn không, con vật có được cách ly không, song sắt có đủ dày để trẻ không âm thầm len vào chuồng, có con vật nào sổng chuồng, vuột xích không… Đặc biệt với những trẻ bạo dạn, hiếu động, táy máy, phụ huynh cần liên tục nhắc nhở, hướng dẫn trẻ nội quy vườn thú, khu dã ngoại, dập tắt ngay ý định và hành động chọc phá thú hay đập tổ ong (trẻ có thể tưởng là tổ chim).

Phụ huynh nên cung cấp cho trẻ kiến thức về các chủng loài động vật một cách cụ thể, phong phú, có hình ảnh, âm thanh kèm theo để trẻ dễ dàng nhận diện chúng, mau chóng tìm giải pháp ứng phó khi gặp các mối nguy từ con vật đó. Lưu ý, không dạy phiến diện, cẩu thả theo kiểu “con ong có màu vàng”, đến khi gặp con ong màu đen, trẻ không sợ, không tránh vì đó không phải là… con ong.

Hãy giúp trẻ cẩn thận quan sát, tránh xa những mối nguy từ con vật. Nhà cửa cần được giữ gìn sạch sẽ, thông thoáng, khô ráo, chú ý phát hoang những lùm cây, bụi rậm, gò đống, trũng nước - “thiên đường” trú ngụ của rắn, rết, ong, bò cạp. Tùy lứa tuổi của trẻ, phụ huynh nên hướng dẫn những kỹ năng sơ cứu cần thiết, phù hợp. 

Khi bị rắn cắn, ong chích…, trẻ không nên động đậy, gắng sức cũng như không cố nặn máu ở vết cắn khiến nọc độc càng lan tỏa. Nên rửa sạch vết thương bằng xà phòng, chườm nước đá, tuyệt đối không dùng nước mắm, nước bọt, kem đánh răng, lá cây thoa lên vết thương vì có thể càng gây sưng tấy, nhiễm trùng; nhanh chóng nhờ người lớn đưa đến trạm y tế gần nhất.

Theo Afamily

people like INLOOK.VN fanpage