Bạn đang ở đây

TƯ THẾ ĐÚNG VÀ SAI KHI CHO TRẺ BÚ

Khi cho bú, mẹ hãy ôm con vào lòng, hướng đầu ti đến miệng của bé, khuyến khích con đừng chỉ ngậm đầu ti mà ngậm cả quầng vú sẽ bú được nhiều hơn.

 

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, sự kết nối cảm xúc giữa mẹ và con khi cho con bú đóng góp đáng kể cho sự phát triển cảm xúc và trí não của trẻ. 

Sữa mẹ được xem là kho báu dinh dưỡng cho con người. Khoa học hiện đại cũng chứng minh đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thường có sức đề kháng và miễn dịch cao hơn những trẻ khác. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ phát triển toàn diện.

Các chuyên gia khuyến cáo sau khi sinh, mẹ nên cho bú ngay để trẻ được tận hưởng những dòng sữa non đầu đời giàu dinh dưỡng. Việc này vừa là cách gắn kết tình mẫu tử, đồng thời kích thích sữa về nhiều hơn. Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng tai, viêm màng não so với những trẻ khác. Trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giảm nguy cơ ung thư. Trẻ sơ sinh được bú sữa non sẽ giúp tống phân su ra ngoài nhanh hơn, ngăn ngừa vàng da sơ sinh.

Lần đầu làm mẹ, nhiều phụ nữ không tránh khỏi lúng túng, điển hình là việc cho bé bú. Theo bác sĩ Nguyệt, cho bú đúng cách sẽ giúp bé không bị trớ hoặc không bị sặc sữa đồng thời giúp mẹ đỡ đau đầu vú hơn. Nếu bé ngậm không hết quầng vú thì sẽ ngậm chặt phần núm vì sợ tuột mất. Như vậy dễ làm mẹ bị "đứt cổ gà" rất đau đớn và khó chịu.

Khi bú, mẹ hãy ôm em bé để con đối diện với mẹ, ngực bé áp sát ngực mẹ, cằm bé chạm tới đầu ti. Không nên quá kiểm soát xem khi nào cần cho bé bú mà hãy tin vào bản năng của bé, con sẽ đưa ra những dấu hiệu khi đói và cần bú mẹ. Hãy cởi bớt quần áo của bé khi cho bú bởi sự tiếp xúc da giữa mẹ và bé có thể làm quá trình bú thuận lợi hơn.

Mẹ có thể để con dùng bản năng tự tìm đến đầu ti, hay ôm mẹ đòi bú. Kỹ năng này đòi hỏi cả mẹ và bé đều phải ở trong tư thế thoải mái, bạn chỉ cần đỡ con trong khi bé bú. Bạn có thể giúp con thoải mái hơn bằng cách nói chuyện, khuyến khích bé mở miệng rồi sau đó đưa đầu ti vào miệng con. Hãy chú ý đừng để lưỡi bé cuốn vào trong mà phải nằm trên hàm dưới. Lúc này, đầu ti của mẹ sẽ nằm trên lưỡi của trẻ, từ đó bé có thể bú sữa thoải mái hơn.

Hãy nhớ cằm con là nơi tiếp xúc đầu tiên với ngực của mẹ, chứ không phải là mặt. Khi bạn ôm con vào lòng, hãy hướng đầu ti đến miệng của bé chứ đừng đẩy vào lưỡi con. Hãy để trẻ tự điều chỉnh để có thể bú mẹ một cách tốt nhất.

Theo Thi Trân (vnexpress)

people like INLOOK.VN fanpage