Bạn đang ở đây

Số hẩm hiu

“Học nhiều làm gì cho đầu to mắt cận. Có giỏi giang đến mấy thì sau này cũng chẳng giàu sang, sung sướng bằng những người học dốt”. Chị sững người trước lời đáp trả của cậu con trai 8 tuổi khi nghe mẹ thúc giục làm bài tập về nhà. Giận con thì ít, chị thất vọng về chồng thì nhiều. Tâm hồn non nớt của nó đang bị đầu độc bởi hàng ngày phải chứng kiến cách hành xử xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực của bố

ham hiu

Ảnh minh họa

Dạo này, anh thường xuyên than vãn rằng số anh hẩm hiu, bạc bẽo. Thời tiểu học, trung học, năm nào anh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, rồi đỗ thủ khoa đại học với số điểm tuyệt đối, ra trường với tấm bằng cử nhân loại giỏi mà chẳng hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào lại quyết định về quê công tác. Chưa đầy 30 tuổi đã được cất nhắc lên làm Trưởng phòng ở một Sở lớn, nhiều đồng nghiệp trầm trồ ngưỡng mộ con đường thăng tiến “trải hoa hồng” nhưng anh lại tỏ ra chán chường, không bằng lòng với những gì đạt được.

Trước đây, anh tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với công việc, được cấp trên tin tưởng coi là “cán bộ nguồn của Sở”. Vậy nhưng sau buổi họp lớp cách đây 2 năm, thay vì niềm vui gặp lại bạn cũ, anh lại đắm chìm trong nỗi mặc cảm, tự ti khi thấy một số người sành điệu lái ô tô bóng loáng, trị giá còn nhiều hơn cả gia tài anh đang sở hữu mà theo lời anh thì đó là những trường hợp thua xa anh về thành tích học tập nếu không muốn nói là kém cỏi, dốt nát.

Người thì thi đại học hai, ba năm không đỗ phải học trung cấp, kẻ phải chờ hạ điểm mới đỗ vớt vào trường dân lập... nhưng nhờ có ô dù đã xin được vào làm ở những “chỗ ngon”, “hái ra tiền”.

Thậm chí cậu bạn ngồi bên cạnh có biệt danh là “óc bã đậu”, mỗi lần đến giờ kiểm tra lại năn nỉ anh cho chép bài, thi tốt nghiệp thì bị trượt vậy mà giờ cũng oai phong khoe đang làm Trưởng phòng kế hoạch ở một công ty lớn, đi nước ngoài gặp đối tác, kí kết hợp đồng như cơm bữa.

Gặp nhau, họ vênh váo khoe lắm tiền nhiều của, khoe bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ rồi tỏ ra thương hại “tài năng” như anh lại sống kham khổ ở tỉnh lẻ.

Bị tổn thương khi nghe lời khích bác “không thức thời”, anh “nổi loạn”, muốn tung hê tất cả những thứ đang có. Cảm thông với tâm trạng chất chứa trong lòng chồng, chị nhẹ nhàng, tế nhị khuyên anh đừng “đứng núi này trông núi nọ” bởi tiền bạc không làm nên giá trị của con người, vật chất dư giả chưa chắc đã mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc.

Anh chẳng những không nghe ra mà còn trách chị triết lý hão huyền. Khi cơ quan anh khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho cán bộ học thạc sĩ, chị động viên anh nắm bắt cơ hội thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn thì anh cười nhạt thốt lên: “Vùi đầu vào sách vở làm gì khi rút cục cũng chỉ có được tấm bằng như những kẻ vung tiền ra mua? Mình không thuộc diện con ông cháu cha, không có nhiều tiền, không có mối quan hệ, lại chẳng biết nịnh bợ, luồn cúi thì năng lực tốt đến mấy cũng chẳng được cất nhắc lên đâu”.

Anh ngày càng lấn sâu vào suy nghĩ tiêu cực rồi vô tình trút những bực dọc xuống đầu vợ con. Làm sao chị có thể không buồn, không tủi khi anh thản nhiên nói với đồng nghiệp rằng nếu chẳng vướng víu vợ con thì anh đã tìm được việc làm tốt, thu nhập cao ở Hà Nội, rằng anh chấp nhận hi sinh tham vọng cá nhân vì gia đình.

Mang tâm lý bất mãn, anh thờ ơ với công việc, phát ngôn bừa bãi, thường xuyên la cà, nhậu nhẹt với những kẻ xấu khiến lãnh đạo cơ quan thất vọng. Điều chị lo lắng hơn là sự thay đổi của anh vô tình “đầu độc” hai đứa con, khiến chúng chểnh mảng học hành, quan niệm phiến diện về nghề nghiệp, không khí trong nhà luôn ngột ngạt...

Theo HPGĐ

people like INLOOK.VN fanpage