[sách hay] Vì ta còn chờ nhau: Nơi đong đầy tình yêu

(Inlook.vn) - Tiểu thuyết Vì ta còn chờ nhau khắc họa câu chuyện tình yêu khởi đầu qua thư tín giữa Đỗ An (nhà văn) và Jane, cô gái người Mỹ gốc Việt vì cô được gia đình người bác dẫn sang kia bờ đại dương vào đầu thập niên 90 khi cô ở tuổi 16.

Tác giả trẻ Lê Hữu Nam, dường như khá kín tiếng kể từ sau khi ra mắt loạt 4 tác phẩm trong năm 2016, và vào những ngày đầu thu 2019 này, anh bất ngờ “tái xuất” văn đàng với tiểu thuyết Vì ta còn chờ nhau (do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ ấn hành).

Đậm đà và sâu sắc, tác phẩm đã khiến tôi không thể rời mắt khỏi những trang sách đầu tiên khi không gian hò hẹn đầy lãng mạn được khắc họa là một quán café ở thủ đô Paris, Pháp. Nơi đó, có một chàng nhà văn đến từ Sài Gòn đang ngóng chờ một cô gái gốc Việt, không hẳn lạ mà cũng chẳng mấy thân quen.

Bởi lẽ, hơn một năm qua, không ai khác chính Jane và Đỗ An đã thông qua những cánh thư tín tươi tắn, san sẻ và động viên lẫn nhau, khi người con gái sinh ra ở Đà Lạt ấy luôn chân thành lắng nghe biết bao nỗi niềm từ Đỗ An với mong muốn lấp đi nỗi buồn và bi quan trong người đàn ông đang mắc chứng viêm phổi rất nặng.

Tình yêu là phúc ấm từ đấng Thượng đế, nhưng cũng là nỗi khát khao chờ đợi, sự mong mỏi dạm mặt người phụ nữ mà Đỗ An tưởng chừng sợi dây tình cảm giữa anh và cô tưởng chừng đã có lúc đứt đoạn bởi một vết thương nhỏ ngày nào len lỏi vào mối quan hệ.

Đôi lúc nhìn lại phần đời đã qua, không có nhiều hy vọng về những gương mặt anh ngóng trông sẽ quay về, song nếu chờ đợi có gian nan đến đâu, anh cũng xem đó là đặc ân và chấp nhận đợi chờ đến hơi thở cuối cùng….

Dù khoảng cách vật lý được xóa bỏ, nhưng An vẫn chưa thoát khỏi cảm giác bỡ ngỡ, vì trước mặt anh lúc bấy giờ không còn là khoảng không hình dung, mà là gương mặt nhiều sắc thái cùng giọng nói rõ đến từng ngữ điệu của Jane, Jane đã hiện diện sống động chứ không còn là những đường nét tĩnh lặng, mơ hồ như trong những bức ảnh. Tiếng nói, điệu bộ và nụ cười rạng rỡ của nàng hoàn toàn là một thực tại rõ ràng. Thế giới đang xanh trở lại, những cánh rừng đang hồi sinh, trái đất dường như không còn chỗ chứa cho những câu hỏi lắp bắp và những ý nghĩa khô cằn trong đầu anh”, và tôi đã bật khóc khi đọc đến trang thứ 8 của tác phẩm.

Có người nói, tình yêu là hy sinh,và đó là chân lý không thể chối cài được, vì yêu một người không chỉ là sở hữu thể xác hay tình yêu mà chúng ta đón nhận từ họ, thay vào đó là để người mình yêu được sống trong yêu thương, được yêu được thương một ai đó (không phải mình) theo đúng nhịp đập của trái tim.

Tác phẩm đã không ít lần khiến tôi bị “lạc lối” bởi lối dẫn dắt đan xen tình cảm giữa hàng loạt nhân vật trung gian, từ chồng của Jane là Taylor Phạm, nữ bác sỹ Yến, hay người đàn ông Nhật Bản Takashi Kimura….

Nhưng rồi, tình yêu và sự cao thượng của tình yêu, lại được chính Đỗ An và nhân vật Yến thay nhau lột tả thật khéo léo, dung dị.

"An cũng chẳng có điều gì lấn cấn muốn hỏi Yến, chỉ là anh muốn nghe giọng cô, muốn được ngồi với cô như cần một hơi ấm trước khi anh bước qua ranh giới duy nhất của kiếp người, một ranh giới trước sau gì cũng bị phá vỡ... Thay vì đợi quy luật diễn ra, An là người chủ động bước đến nó", tác giả đã đưa tôi vào tột đỉnh của sự tò mò đối với mối quan hệ giữa An và Yến, nhưng rồi, cũng chính Đỗ An đã đặt bàn tay Yến lên vị trí trái tim mình, để chính cô và Đỗ An cùng đưa ra lời giải mang tính nút thắt cho bức điện tâm đồ “tình yêu” phức tạp.

Ngày Jane quay lại Việt Nam sau thời gian điều trị chứng bệnh tưởng chừng vĩnh viễn lấy đi ký ức và mạng sống của cô.... Trong chiếc áo len màu tuyền cổ lọ và quần jean xanh lơ, nàng chậm rãi đi lên đồi thông non lá, giữa những bướm la đà và loài hoa cúc dại. Trên tay nàng là cành hoa mảnh mai như chính vóc dáng này. Dừng lại trước một ngôi mộ, mỉm cười nhìn vào tấm bia nhỏ, không có ảnh và cũng không để ngày sinh ly tử biệt. Ở đó có một dòng chữ mà người ta đã trích ra từ bản thảo dở dang của anh, như lời nhắn nhủ rằng đợi chờ người chúng ta yêu thương cũng là một lẽ sống.

“Cảm ơn anh vì đã luôn đợi chờ em”. Nàng đặt nhành hoa lên nơi anh nằm, và ngước nhìn những tia nắng đầu ngày xuyên qua những vòm lá

“Nhưng cô đã nhanh chóng quay lưng lại để anh không nhìn thấy vẻ lo lắng trên mặt mình, vội vàng tìm thêm một lý do nào đó để hỏi anh nhưng thay vì vậy Yến nói lời cuối…”, và khi chia tay, thì “một cơn gió thổi qua khiến Yến bất chợt muốn ôm anh, nhưng anh đã né tránh, nhưng anh muốn ôm cô hơn bao giờ hết. Anh muốn đêm nay được ngồi bên cô, trò chuyện với cô. Nhưng anh không thể, anh phải về. Thế giới của anh không phải ở đây và cũng chẳng phải ở đâu nữa. Các vì sao đêm nay cũng đã quay lưng với anh”.

Hơi ấm tình yêu từ Yến đã giúp An vượt qua cái giá lạnh khắc nghiệt của nước Pháp, để đến với Jane, đến với cái đích mà con tim lẫn lý trí anh chọn lựa.

Ánh sáng của tình yêu, liên tục được tác giả thắp sáng, ngay ở những đoạn sầu bi, là hình ảnh Đỗ An trong một thực thể đầy sức sống ngồi trong một quán quen, nâng niu bức thư cuối cùng từ Jane, thì thì thầm những dòng chữ trong đó, mỉm cười gấp lá thư vào ngực áo, và đó cũng là lúc người ta lần cuối nhìn thấy anh, lần cuối anh được sống là chính mình, tự do và yêu thương.

Một dòng tự sự trong bản thảo dở dang của Đỗ An, cũng chính là cái kết của lần hò hẹn, của sự chờ mong giữa những trái tim căng tràn yêu thương, là Jane, là Taylor, là Yến,… là tất cả chúng ta.

Và có lẽ, chưa bao giờ, Đà Lạt trong tôi, cũng như trong đôi mắt ngấn lệ của Jane, lại đẹp và chứa chan cảm xúc như thế.

“Cảm ơn anh vì đã luôn đợi chờ em”, và tôi cũng liên tục tự hỏi chính mình rằng liệu Jane hay Yến đã nói điều đó với Đỗ An.

 

Nguồn: NXB VHVN TpHCM

 

 

people like INLOOK.VN fanpage