Bạn đang ở đây

Nơi lưu giữ hồn Chăm

Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, những miền đất ấy đã hòa chung vào Đại Việt, và nền văn hóa Chăm cùng những di sản kiến trúc - điêu khắc đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam ngày nay.

Suốt dải đất miền trung từ Quảng Bình cho tới Bình Thuận, xưa kia đã có một nền văn minh - văn hóa rực rỡ của Vương Quốc Chăm Pa (còn gọi là Chăm, Chàm…). Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, những miền đất ấy đã hòa chung vào Đại Việt, và nền văn hóa Chăm cùng những di sản kiến trúc - điêu khắc đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam ngày nay. Qua thời gian và chiến tranh, nhiều di sản kiến trúc đã biến mất hoặc trở thành phế tích. Nhưng bên cạnh những tháp Chăm rêu phong trầm mặc còn lại vẫn thi gan cùng năm tháng  trên con đường thiên lý Bắc Nam, vẫn có một nơi hiện lưu giữ những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Chăm, phản ánh một nền văn hóa - nghệ thuật rực rỡ huy hoàng trong lịch sử. Đó là Cổ viện Chàm, nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng.

 

Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hay còn gọi là Cổ viện Chàm, nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm (Số 02, đường 2/9, Thành phố Đà Nẵng), nằm ngay bên bờ sông Hàn tới nay đã gần trăm năm tuổi. Công trình được hoàn thành vào đầu năm 1919. Nhưng hơn 20 năm trước đó, người ta đã di chuyển và tập trung về đây nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm được trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Đây thực sự là một trung tâm văn hóa, là nơi lưu giữ hồn Chăm. Bản thân tòa kiến trúc đã chứa đựng những giá trị riêng của nó. Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam (đầu thế kỷ XX).

 

 

Công trình có giá trị kiến trúc đặc sắc, đã làm cho nó thoát hẳn khỏi vai trò là nơi trưng bày - một cái hộp chứa đựng. Kiến trúc công trình và những cổ vật - những tác phẩm điêu khắc đã hòa quyện vào nhau. Ở đó người ta có thể cảm nhận thấy hồn Chăm rất rõ ràng.

 

Những tác phẩm điêu khắc phần lớn được tạo nên từ chất liệu sa thạch, phản ánh đậm nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm xưa, cũng phản ánh những quan niệm và tư duy tạo hình trong điêu khắc, kiến trúc. Phần lớn các tác phẩm (phù điêu, tượng tròn, chi tiết kiến trúc) tạc hình – miêu tả những vị thần gắn liền với những câu chuyện thần thoại trong Ấn Độ giáo, như thần Siva - đấng hủy diệt, thần Vishnu - đấng hòa bình, thần Brahma - đấng sáng tạo - vị thần tối cao.

 

Bên cạnh đó cũng có những tượng nữ thần là vợ của các vị thần trên như thần Uma, Lakshmi, Sarasvati… được tạc với những nét mềm mại uyển chuyển, vô cùng sinh động. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm điêu khắc Chăm. Ta có thể thấy rất rõ những chi tiết điêu khắc - kiến trúc được cách điệu hay tả thực hình ảnh bầu ngực của người phụ nữ trên nhiều tác phẩm. Bộ đôi sinh thực khí Linga và Yoni là những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, mang nhiều phong cách khác nhau, có tác phẩm cong mềm mại, có tác phẩm lại cách điệu đơn giản, khỏe khoắn.

 

 

Ở những đài thờ, những bệ thờ, hay chi tiết kiến trúc, nội dung trang trí thường là những câu chuyện hay những điển tích trong thần thoại Ấn Độ, được khai triển tạo hình theo phương ngang theo lối kể chuyện, hoặc tạo nên một bố cục có không gian. Ta có thể thấy những chi tiết rất tinh xảo ở Đài thờ Mỹ Sơn, Đài thờ Trà Kiệu hay một tác phẩm mi cửa của tháp Mỹ Sơn.

 

Những bức phù điêu có nội dung phong phú và đa dạng hơn, ngoài những nội dung gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, thì nhiều nội dung gần gũi đời sống xuất hiện như cảnh sinh hoạt đời thường, hình ảnh chiến binh, hình ảnh hoa lá chim muông, vũ nữ múa… Nhiều chi tiết kiến trúc, như trụ cửa, vòm trán cửa, đầu đao, đỉnh tháp… được thực hiện với độ tinh xảo rất cao, có thể coi những bộ phận kiến trúc này như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc lập.

 

 

Có thể nói, những tác phẩm điêu khắc Chăm nơi đây là những kiệt tác, bởi chúng có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình, phong phú về nội dung, độc đáo về chất liệu. Mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng, nhưng tất cả lại có mối quan hệ và sự kết nối để tạo nên một giá trị to lớn, tạo nên hồn Chăm Pa nơi cổ viện. Và hơn thế nữa, những tác phẩm ấy đã, và đang chứa đựng cả một nền văn hóa - văn minh rực rỡ trong lịch sử của một dân tộc.

                          

 

Theo ý tưởng trưng bày của nhà khảo cổ Henri Parmentier từ khi thành lập bảo tàng, các không gian trưng bày được phân chia và đặt tên theo nguồn gốc - địa điểm phát hiện, khai quật hiện vật. Hiện nay Bảo tàng điêu khắc Chăm có các không gian trưng bày sau:

 

+ Phòng Quảng Trị: Hiện trưng bày 14 tác phẩm, hầu hết có niên đại thế kỉ VII-VIII, được khai quật từ các địa danh ở tỉnh Quảng Trị như Nam Giáp, Hà Trung, Thạch An, Đa Nghi và đưa về Bảo Tàng từ những năm 1918 và 1935.

 

+ Hành lang Quảng Nam: Hiện trưng bày 32 hiện vật, niên đại thế kỉ VII – VIII và IX – X, được khai quật từ nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam.

 

+ Hành lang Quảng Ngãi: Hiện trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỉ X đến giữa thế kỉ XII, hầu hết được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số địa danh khác ở tỉnh Quảng Ngãi.

 

 

+ Phòng Trà Kiệu: (Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 50 km về hướng Tây Nam). Hiện tại có 43 tác phẩm, phần lớn có niên đại thế kỉ VII-VIII và XI-XII đang được trưng bày tại phòng Trà Kiệu của bảo tàng Điêu khắc Chăm.

 

+ Phòng Mỹ Sơn: Là một không gian trưng bày quan trọng và phong phú vì đây từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa. Tại phòng Mỹ Sơn hiện đang trưng bày 18 hiện vật, gồm 3 nhóm hiện vật: Nhóm hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung. Ngoài ra tại đây cũng đang trưng bày một tấm bia chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ.

 

+ Phòng Đồng Dương: Trưng bày nhiều hiện vật là điêu khắc những vị thần, thể hiện một phong cách nghệ thuật mới và sự thay đổi tín ngưỡng của một triều đại mới (theo văn bia). Theo đó, việc tôn thờ thần Siva là thần bảo hộ chính (như ở di tích Mỹ Sơn) đã được chuyển sang các vị Phật và Bồ tát. Đặc biệt là trong phòng Đồng Dương có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng, là tượng Bồ tát Tara. Đây là tượng đồng lớn nhất và là một trong số rất ít tượng đồng của nghệ thuật điêu khắc Chăm

 

 

+ Phòng Tháp Mẫm - Bình Định: Trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ XII-XV.

 

+ Khu trưng bày mở rộng đặt ở tầng 1 khối nhà mới xây phía sau. Phòng trưng bày này được chính thức khai trương từ ngày 28 tháng 4 năm 2004, trưng bày gần 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, chủ yếu được sưu tầm sau năm 1975 và được chia thành các bộ sưu tập: Quảng Trị, Trà Kiệu, Quảng Nam, An Mỹ, Chiên Đàn, Bình Định - Tháp Mẫm, Quá Giáng - Khuê Trung và Phú Hưng.

 

Tầng 2 khối nhà này là nơi trưng bày văn hóa Chăm đương đại, bao gồm những sưu tập về trang phục, nhạc cụ, và những hình ảnh dân tộc Chăm.

 

 

Nếu đã có cơ hội đến Đà Nẵng, bạn nên ghé thăm cổ viện Chàm để biết trên đất nước mình có một nên văn hóa dân tộc rất đặc sắc và phát triển từ lâu đời, và để thỏa sức chiêm ngưỡng những thành tựu người xưa đã tạo nên và để lại cho ta.

 

M.K tổng hợp

people like INLOOK.VN fanpage