Bạn đang ở đây

Coldplay có thật sự "đạo" Ra ngõ tụng kinh?

Nếu chỉ căn cứ vào dòng chữ ghi trên bìa đĩa của Coldplay: "Princess Of China với giọng hát của Rihanna và đoạn nhạc mẫu từ Takk... của Girgisson/ Dyrason/ Holm/ Sveinsson ban nhạc Sigur Ros" để kết luận Coldplay không "mượn" Ra ngõ tụng kinh, đó là sự vội vàng và là một nhầm lẫn đáng tiếc.

Dư luận báo chí thời gian qua đã liên tục lên án những vụ đạo nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam đối với các tác phẩm nước ngoài, nhằm đề cao sự sáng tạo trong âm nhạc. Việc phản ánh bản nhạc Princess of China nếu có "đạo" bản nhạc Ra ngõ tụng kinh do Hà Trần trình bày cũng là chuyện bình thường và rất công bằng của dư luận báo chí.

Câu vocal không có trong sample

Khi Princess of China của Coldplay có câu vocal bị nghi ngờ "đạo" từ câu vocal trong bài Ra ngõ tụng kinh, thì việc bìa đĩa của Coldplay có ghi với nội dung: Princess of China dùng sample từ bản nhạc Takk... của ban nhạc Sigur Ros (nguyên văn tiếng Anh: Princess of China features vocals by Rihanna and a sample from Takk... written by Girgisson/ Dyrason/ Holm/ Syeinsson from Sigur Ros), nó đã như một "cứu cánh" cho Coldplay. Rằng bản nhạc Princess of China dùng sample có trích dẫn nguồn hẳn hoi chứ không phải "mượn" từ Ra ngõ tụng kinh.

 


Album Mylo Xyloto của nhóm Coldplay.


Nhưng người đưa ra kết luận này hình như đã không nghe để kiểm tra một cách cẩn thận. Vì trớ trêu thay, cái sample mà Coldplay dùng có ghi xuất xứ, đó là đoạn nhạc nền chứ không phải câu vocal bị nghi là "đạo".

Nghe hết cả bản nhạc Takk... không hề thấy câu nhạc nào tương tự câu vocal đang nằm trong nghi án "đạo" xôn xao trên cả báo giấy và mạng internet thời gian qua.

Sample trong bản nhạc Takk... đã được dùng làm nền cho phần nhạc nền của Princess of China. Nếu nghe vài lần đoạn đầu bản nhạc Takk... (cho quen tai), sau đó mở bản nhạc Princess of China chúng ta sẽ nhận ra nó nằm ở phần nền của nhạc đệm, trên nền đó là tiếng của nhạc cụ khác. Trong khoảng 10 giây đầu tiên của bản Princess of China thì sẽ dễ nhận ra nhất (đương nhiên là phải những tai nhạc tương đối thính nhạy) còn sau đó khi phần guitar điện, vocal... hòa lên thì khó nhận ra hơn.

Nhưng với những đôi tai nghe nhạc chuyên nghiệp, họ vẫn có thể nhận ra mẫu âm của sample này. Hoặc có thể người nghe không nhận ra được rạch ròi như vậy thì cảm giác về "không khí" âm nhạc từ sample của bản nhạc Takk vẫn cảm nhận được trong Princess of China.

Mời độc giả lần lượt nghe hai bản nhạc này:

 


Bản nhạc Takk... của Sigur Ros, có phần sample mà Coldplay sử dụng trong Princess of China (không có giai điệu nào tương tự câu vocal của Princess of China hoặc Ra ngõ tụng kinh).


Bản Princess of China có dùng sample của Takk... (lưu ý là phần nhạc nền chứ không phải câu vocal)


Ai "đạo" của ai?

Như thế việc đem sample của bản nhạc Takk... ra để chứng minh rằng Princess of China dùng sample chứ không phải "mượn" của Ra ngõ tụng kinh là không đúng sự thật, vì Princess of China có dùng sample thật, nhưng là dùng sample cho phần nhạc nền chứ không phải câu vocal bị nghi là đạo nhạc.

Tuy nhiên, câu vocal trong bản Princess of China và cả trong Ra ngõ tụng kinh, được xem là có họ hàng anh em với một bản nhạc khác: Ca khúc Shake Ya Tail Feather do Nelly, P. Didy, Murphy Lee thể hiện, hoặc khúc nhạc hiệu của đội bóng chày Atlanta Braves, bang Georgia (Mỹ) mà cả hai khúc nhạc này được cho là xuất phát từ "bản nhạc đốn củi" của thổ dân Tomahawk (Tomahawk Top Song).

Việc kiện tụng để đi đến kết luận có xảy ra đạo nhạc hay không, ai đạo nhạc của ai, là rất nhiêu khê và phức tạp, cần sự đối chất giữa những người trong cuộc, những luật sư về sở hữu trí tuệ...

Có thể đặt ra những giả thiết như: Princess of China phát triển (hoặc ảnh hưởng, hoặc đạo nhạc) từ Ra ngõ tụng kinh? Princess of ChinaRa ngõ tụng kinh cùng phát triển (hoặc ảnh hưởng, hoặc đạo nhạc) từ Tomahawk Top Song? v.v... Những câu hỏi này có lẽ chỉ có tòa án chuyên trách sở hữu trí tuệ mới trả lời được.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra những góc nhìn thuần túy chuyên môn về lĩnh vực sáng tác ca khúc, việc giống nhau của các chủ đề âm nhạc được các nhạc sĩ đánh giá như thế nào?

Sau đây là ý kiến của Phó giáo sư - tiến sĩ Thế Bảo, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sáng tác, lý luận và chỉ huy, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Lý luận, phê bình Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tiến sĩ Thế Bảo cũng là người rất quan tâm đến nhạc nhẹ, ông từng làm thành viên của Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt.

 

Princess of China Ra ngõ tụng kinh ảnh hưởng nhau quá nặng nề

"Theo tôi, với ba câu nhạc từ ba bản nhạc Tomahawk Top Song, Princess of China và Ra ngõ tụng kinh thì Princess of China Ra ngõ tụng kinh là có xuất phát từ Tomahawk Top Song.

Tuy nhiên giai điệu của Tomahawk Top Song khá đơn giản, nó gần như một thang âm. Nếu từ đây mà phát triển thành Princess of China hoặc Ra ngõ tụng kinh thì cũng cần ghi nhận nỗ lực phát triển của người kế thừa. Nhưng câu nhạc của Princess of China và Ra ngõ tụng kinh thì giống nhau quá, nếu gọi người này "phát triển" từ người kia thì không có gì sáng tạo, bị ảnh hưởng quá nặng nề. Trường hợp hai người cùng phát triển từ một chủ đề âm nhạc thì sự giống nhau chút ít có thể xảy ra, nhưng không thể giống nhau nhiều như thế được".

PGS-TS Thế Bảo

Mời độc giả nghe bốn khúc nhạc có "họ hàng" với nhau

Tomahawk Top Song.


Shake Ya Tail Feather (Nelly, P.Didy và Murphy Lee biểu diễn).

Princess of China (Coldplay biểu diễn).
 

Ra ngõ tụng kinh (Hà Trần biểu diễn.
 

Theo TT&VH

Clip: YouTube

people like INLOOK.VN fanpage