Bạn đang ở đây

Quốc Bảo và không gian nhạc xưa ở Hà Nội

Dự án âm nhạc mới của nhạc sĩ Quốc Bảo đang dần được hình thành tại Hà Nội. Mọi thứ đến với anh, cũng như cách anh mang đến cho công chúng, đều khá bất ngờ.

(Phóng viên) Xin chào nhạc sĩ Quốc Bảo, tin anh ra Hà Nội thực hiện dự án âm nhạc khiến cho nhiều người bất ngờ đấy. Do đâu mà anh lại có cái ý định này?

(Nhạc sĩ Quốc Bảo) Có khá nhiều lời mời từ Hà Nội, nhưng tôi chần chờ mãi cho đến khi trông thấy ngôi biệt thự 61 Trần Hưng Đạo. Tôi thích không gian đó, nó hoài cổ, nó sang, nó hợp với tạng của tôi.

Nhưng mà ở Hà Nội hiện có trào lưu "Nam tiến", còn anh thì lại trở ngược ra Hà Nội, một thị trường được cho là khó tính và "khó nhằn" đối với không ít nghệ sĩ. Anh có thấy đó là trở ngại cho anh và những người cùng ý tưởng với anh?

Vâng, khó chứ. Nhưng vui, và lại có những người cùng ý tưởng với tôi như Hà Linh Thư, nên cứ thế mà tiến. Đến đâu hay đến đó.

Còn một điều này nữa, ngoài một cơ số những tụ điểm ca nhạc nho nhỏ vẫn đang hoạt động khá đều đặn thì Hà Nội hiện có hai "tụ điểm" lớn hơn, đó là chương trình Không gian âm nhạc vào mỗi cuối tháng, đã tạo được uy tín nhất định với người yêu nhạc thủ đô và Music on the Roof cũng đang được chú ý. Dự án nghệ thuật của anh sẽ có gì mới mẻ và khác biệt để kéo khán giả Hà Nội đến với Maison Sens?

Bao giờ chương trình cũng hướng đến tính hoài niệm, các giá trị văn hóa cũ, ngay cả cách hòa âm của ban nhạc tôi cũng chọn cách xưa - như một cabaret hay quán rượu bên Pháp. Ngoài chương trình định kỳ hàng tháng được tổ chức như một art dinner hay gala dinner, chúng tôi duy trì chương trình hàng tuần đặc biệt vào mỗi cuối tuần để nhấn mạnh và tạo thành vệt cho phong cách "Hà Nội cũ, Sài Gòn xưa". Chúng tôi không hướng đến việc cách tân nhiều lắm đâu, chúng tôi hoài cổ. Vâng, có khi hoài niệm cũng là một con đường riêng phải không?

 

Các chương trình âm nhạc của Quốc Bảo luôn hướng đến tính hoài niệm, các giá trị văn hóa cũ, ngay cả cách hòa âm của ban nhạc anh cũng chọn cách xưa.


Câu slogan rất ấn tượng "Sài Gòn cũ, Hà Nội xưa" của anh dường như cũng đã định vị đối tượng khán giả? Sao anh lại định kén khán giả trong khi anh cũng đang cần họ để chạy đường dài với dự án này?

Làm sao chắc được có bao nhiêu phần trăm khán giả thích hoài niệm, so với bao nhiêu phần trăm muốn cấp tiến?

Nó có vẻ cũng thể hiện khá rõ sự cẩn thận, khó tính và cầu toàn của anh trong nghệ thuật?

Ngày xưa còn trẻ tôi khó tính, giờ dễ đi nhiều rồi.

Vậy chương trình đầu tiên sẽ ra mắt khán giả Hà Nội khi nào, và anh có thể "bật mí" một chút về chương trình này?

Vào thứ bảy, chủ nhật 15-16/10 tới đây, tôi biên tập chương trình chủ đề "Phố tình ca", với hai khách mời là Mai Khôi từ Sài Gòn và Khôi Minh ở Hà Nội. Mai Khôi và Khôi Minh sẽ song ca cùng nhau một số bài; tôi vốn sở trường dàn dựng và biên tập song ca mà.

Vâng, Mai Khôi thì đã quen thuộc rồi, nhưng còn Khôi Minh, đó dường như là cái tên không phải khán giả Hà Nội nào cũng biết đến?

Khôi Minh làm báo Tiền Phong, là một cái tên quen thuộc với giới indie artist (nghệ sĩ hoạt động độc lập - PV) Hà Nội. Tôi thích Minh vì cái chất độc lập, nghệ sĩ đó. Khôi Minh hát không đa dạng, nhưng có chất riêng, phóng túng.

Đó hình như cũng là chủ định của anh đối với dự án âm nhạc này, được biết anh sẽ mời cả những nghệ sĩ underground (nghệ sĩ hoạt động "ngầm", không chính thức - PV) của Hà Nội mà Khôi Minh chỉ là một cái tên trong số đó?

Vâng, tôi vốn yêu mến các nghệ sĩ độc lập, tôi muốn dành đất cho họ được trổ tài.

Có vẻ như đây là một cuộc chơi của anh hơn là một dự án để thu về lợi nhuận. Và anh có muốn gửi gắm điều gì tới khán giả, đặc biệt là khán giả Hà Nội ngay trước ngày mở màn?

Cho tôi gửi lời chào đến công chúng mộ điệu thủ đô. Tôi rất hạnh phúc được gặp gỡ các bạn.

Xin chúc anh thành công và chúc Maison Sens sẽ là một điểm đến khó quên đối với khán giả yêu âm nhạc! Cảm ơn anh rất nhiều!


Hoàng Hạnh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

people like INLOOK.VN fanpage