Bạn đang ở đây

Thật ra, tất cả chúng ta đều đang bán mình

Mấy ngày gần đây, cư dân mạng xôn hết cả xao, rộn hết cả ràng với thông tin một chàng ca sĩ nọ có lừa tình, lừa tiền một anh bạn tình (tạm gọi theo tự nhận của nạn nhân) Việt kiều hay không? Rồi tiếp ngay sau đó, làng showbiz Việt lại được bồi thêm một cú “hấp dẫn đầy tình tiết” nữa về vụ một cô “người mẫu-diễn viên điện ảnh” đi bán dâm…


Những bức ảnh của cả hai cá nhân ấy, không bị che mặt, được đăng tải tràn lan trên mạng mà tôi thấy, phần nhiều trong những dòng đăng tải về họ, có sự hả hê của những người viết, theo kiểu ngầm ngụ ý như “đấy, nghệ sĩ thối hoăng thế đấy”. Tất nhiên, tôi cũng chẳng bênh vực gì chàng ca sĩ điển trai và cô người mẫu chân dài miên man kia. Việc ai nấy làm. Việc tôi làm tôi quan tâm, việc họ làm họ biết. Miễn bàn, miễn khen, miễn chê, miễn bình, miễn bênh, miễn mỉa mai. Tôi đã muốn như thế nhưng xem ra như thế không dễ. Tôi không sống một mình mà tôi chỉ là một cá thể trong cả cộng đồng. Và đã là một cá thể trong cả cộng đồng, mình không thể cứ “rẽ sóng nhân gian anh bơi ngược dòng” một cách tung tăng mãi được.
 

Những tấm hình rõ khuôn mặt như thế này đều được công khai
Những tấm hình rõ khuôn mặt như thế này đều được công khai

 

Câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình là “liệu chàng ca sĩ kia có bán mình, bán tên tuổi của mình để lấy một căn hộ (thứ cụ thể) và lấy một scandal cho tiếng tăm/tai (phi vật thể) thêm hay không? Và cô người mẫu-diễn viên kia có thực sự là người mẫu-diễn viên điển hình hay không?”. Nó là một câu hỏi cụ thể, thiết thân và không hề mông lung chút nào. Đơn giản, với tôi, nó không chỉ thể hiện showbiz đơn thuần, mà nó còn thể hiện cả bộ mặt thật của chính xã hội này.


Theo đúng dòng thời sự, anh bạn tình (tạm gọi theo tự nhận) của chàng ca sĩ kia đã tung bức ảnh chụp cái chứng từ chuyển khoản số tiền gần tỉ cho người “xâm hại” mình. Bức ảnh ấy tạo ra luồng dư luận rất lớn cho rằng chàng ca sĩ ấy đã nhận tiền, hay nói thẳng là đã bán mình vì tiền, chẳng khác gì các các cô gái chân dài được bảo bọc (tạm thời hoặc dài hạn) bởi các đại gia nào đó. Tôi cũng đồng ý với quan điểm rằng nếu có nhận tiền và quan hệ tình cảm giả vờ (vì chính chàng ca sĩ ấy phủ nhận đã có quan hệ tình cảm với nạn nhân tạm gọi) với người ta thì chẳng khác gì đã bán mình cho người ấy vì một lợi ích nào đó. Và nếu việc anh ta bán là tự nguyện và không trái pháp luật thì chẳng ai có quyền kết tội anh ta cả. Còn tòa án lương tâm ư? Lương tâm ai sẽ chính là quan tòa của người ấy. Đạo đức nên được đánh giá bằng ứng xử của riêng mình chứ không phải bằng cách “xét nét” ứng xử của người khác. Chỉ có điều, tôi thấy người mua cũng chẳng oan trái gì trong vụ việc ấy cả. Nếu cho vay, cho mượn thì viết giấy tờ đàng hoàng. Một tỉ chứ có phải là rác đâu? Đòi không được thì mang ra toà mà kiện. Còn nếu đã yêu và đã cho thì chớ có kể. Kể ra rồi, thiên hạ chỉ cười cho vì cái gọi là “ngu thì chết chứ bệnh tật gì?”. Và điều đáng nghĩ ở đây là nếu chàng “thủ phạm tạm gọi” kia không phải là một ca sĩ lừng danh thì thử hỏi có báo chí nào thèm quan tâm không, có nhà báo nào thèm cầm vào tờ giấy mời họp báo hay không? Hoá ra, chữ ca sĩ “oách” ra phết…


 

Vì công việc, tôi đã từng đi nhậu, ăn chơi với một vài vị có tiền, có của, có quyền nhưng ít quan hệ trong giới nghệ thuật. Và trong những lần quan sát cách chơi, cách ăn của họ, cách hám của lạ của họ, tôi thấy cái cách họ mong muốn được một lần với một nhân vật showbiz nào đó cũng rất lớn. Đối với họ, một cô nhan sắc 10 phân vẹn 10 không nằm trong showbiz không hấp dẫn bằng một cô showbiz chỉ có vẻ đẹp được 6-7 phần 10. Xem ra, hai cái tiếng “người mẫu”, “diễn viên” cũng oách lắm. Đơn giản, đàn ông có một tính xấu là “ngủ với ai rồi thì thường hay khoe như chiến tích”. Mà chiến tích với người vô danh làm sao oau bằng chiến tích với một em có danh có hiệu. Nó cũng giống như xài hàng hiệu thôi. Đôi giày đẹp, bền, kiểu cách chưa chắc đã được ưa chuộng bằng một đôi giày hàng hiệu như Louis Vuitton. Tâm lý con người, ai chẳng thích “khệnh với đời” bằng những vật ngoại thân như thế.

Và tôi, với tâm thức như thế, đã đặt câu hỏi với một người có tiếng, có uy tín trong giới thời trang và một vài người trong làng điện ảnh rằng “cái cô gái mới bị bắt vì bán dâm kia có phải là người mẫu-diễn viên hay không?” để muốn xác minh lại cái mác mà cô ấy đang gắn trên mình. Câu trả lời tôi nhận được rất đơn giản và khá tương đồng nhau là “có đi diễn catwalk nhưng chưa đủ để gọi là một người mẫu chuyên nghiệp” và “có đóng phim đấy nhưng không hẳn đã được gọi là diễn viên vì mấy cái vai đó chỉ hơn vai quần chúng có một chút à”. À thì ra thế. Cô ấy không hẳn đã là một người mẫu-diễn viên chuyên nghiệp như chúng ta đã nghĩ. Nhưng gắn cái mác ấy thì mới có giá ngàn đô. Không có cái mác ấy, trong mắt khách của cô, có lẽ cô cũng chỉ như gái gọi hạng sang mà họ vẫn gặp là cùng.
 

người mẫu kiêm diễn viên Hồng Hà đã bị Công an Tp. Hà Nội bắt giữ khi đang tiến hành bán dâm với mức giá 1000 USD tại khách sạn trên phố Tây Sơn (Đống Đa)
Người mẫu kiêm diễn viên Hồng Hà bị Công an Tp. Hà Nội bắt giữ khi đang
tiến hành bán dâm với mức giá 1.000 USD

 

Vậy là tôi đã thấy rõ hơn điều tôi vẫn băn khoăn. Đúng là người ta rất cần cái mác được gắn vào để làm sang giá hơn cho chính bản thân mình. Và tôi sực nhớ đến một tấm card visit của một “nhân vật” mà tôi không thể nào nhớ nổi ông ta là ai. Trên tấm card bình thường với kích cỡ bình thường như muôn vàn tấm card khác cùng loại, chủ nhân của nó đã ghi vào đó cái “title” cho mình là PGS.TS. Nhạc sĩ cùng với 10 chức danh ở 10 cơ quan, ban ngành, hội khác nhau. Cái sự liệt kê ấy, không hiểu, có làm giá của ông ấy sang lên hay không nhưng đối với tôi, nó chỉ làm tôi chẳng nhớ nổi ông đang làm gì, ở đâu và làm có ra gì hay không. Sau này, tôi nhận được thêm card của em trai ông, cũng y chang như vậy, một bản liệt kê thành tích dằng dặc. Và tôi thấy nực cười cho cái sự liệt kê quá mức ấy.

Có mấy ai gọi Văn Cao, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ không nhỉ? Hình như ít lắm. Đơn giản, khi cái tên nó lớn hơn cái “chức danh” thì cái chức danh thành vô nghĩa. Còn khi cái tên nó nhỏ hơn cái chức danh, người ta vẫn cứ phải níu vào cái chức danh ấy như một cái phao để người khác nhận ra mình là ai, ở đâu và làm gì. Và vì sao người ta níu vào cái chức danh ấy? Cũng như vì sao tự nhiên tôi lại lan man từ chuyện chàng ca sĩ ồn ào và cô diễn viên-người mẫu bán dâm kia sang chuyện của một ông PGS.TS? Bởi vì, tôi có lý do của tôi.

Thật ra, tất cả chúng ta đều đang bán mình. Xin thử hỏi, để tồn tại, chúng ta cần gì? Tối thiểu nhất là ăn, ở, uống… Những thứ tối thiểu ấy thôi cũng đều bắt chúng ta phải trả tiền. Và để có tiền mà trả, chúng ta phải làm ra tiền. Để có ai đó trả cho chúng ta tiền cho công cuộc làm ra tiền của chúng ta thành công, chúng ta phải mang lại cho người ấy lợi ích gì đó. Cuộc trao đổi ấy, biện minh gì đi nữa, chẳn khác gì một cuộc mua và bán.

Tôi viết báo, nghề mà một người đồng nghiệp vui tính gọi là “công cuộc múc não ra ăn dần”. Nhưng tôi thích gọi nghề của tôi là bán chữ hơn. Ai cần, tôi bán và cái cách bán ấy cũng chính là bán mình. Tôi bán mình để lao động cho họ, cố định hoặc tạm thời, và mang lại cho họ những sản phẩm mà họ cảm thấy họ cần, họ thấy có ích cho công cuộc cũng bán mình của chính họ.

Cô gái kia cũng bán mình, nhưng bán ở một định dạng lao động khác mà pháp luật đang cấm. Anh ca sĩ kia cũng bán mình và bán ở một định dạng khác mập mờ giữa hợp pháp và hợp đạo nghĩa. Ông PGS.TS kia cũng bán mình, bán ở đâu thì tôi chưa biết, bán bằng cách nào tôi cũng chẳng biết. Nhưng chắc là sạch vì không sạch thì công an bắt ông lâu rồi.
 

Tất cả chúng ta đều bán mình và để bán được giá cao, ta cần cái mác cho mình. Cô gái kia không thể bán dâm giá ngàn đô với mác Nhà báo hay PGS.TS được. Còn tôi cũng chẳng thể đi bán chữ bằng cái mác “ca sĩ” hay “người mẫu” được. Thế là cứ phải gắn mác cho mình cho nó “sang lên” để “giá cao lên”. Thế cho nên, dù không thích lắm, và vẫn chưa có thẻ nữa, thì tôi vẫn cứ phải vỗ ngực xưng tên “Tôi là nhà báo” để đặng bán chữ cho có giá một chút. Chứ nếu không, có mà cạp đất mà ăn mất thôi…
 

Theo Hà Quang Minh/VNNM

people like INLOOK.VN fanpage