Bạn đang ở đây

Phát hiện cá 'đi bộ', ếch biết hót tại Việt Nam

Các nhà khoa học phát hiện được 126 loài mới ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có cá da trơn “biết đi” và ếch cây Quang có thể líu lo ở Việt Nam.

 

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF), các nhà khoa học đã phát hiện được 126 loài mới ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Dưới đây là một số loài mới được miêu tả trong báo cáo.
 
Cá chép mù (Bangana musaei) được phát hiện tại nhánh Xe Bang-fai, một phụ lưu của sông Mê Kông tại Lào. Nhánh sông này chảy ngầm dưới lòng đất qua khu vực núi đá vôi dài khoảng 7 km. Do sống trong hang động nên loài Bangana musaei hoàn toàn bị mù.
Rắn lục mắt hồng ngọc (Trimeresurus rubeus) được phát hiện tại những khu rừng gần thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Vườn quốc gia Cát Tiên được coi là nơi có nhiều cá thể rắn Trimeresurus rubeus sinh sống nhất.
Cá da trơn “biết đi” (Clarias gracilentus). Loài cá này sống tại vùng suối nước ngọt trên đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang , Việt Nam. Chúng có thể dùng vây ngực để đứng thẳng và di chuyển giống như rắn.
Ếch cây Quang (Gracixalus quangi) được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới ở vùng cao miền Bắc Việt Nam. Trong khi các loài ếch khác, con đực thu hút con cái bằng tiếng kêu lặp đi lặp lại của chúng, ếch cây Quang lại phát đi những hợp âm khác nhau, không lần nào giống lần nào. Đó là sự hòa trộn của các âm huýt, tiếng lách cách, líu lo theo một thứ tự độc đáo.
Ếch “âm dương” (Leptobrachium leucops). Loài này được tìm thấy ở khu vực rừng ẩm trong Vườn quốc gia Núi Bà và cao nguyên Lang Bian ở miền Nam Việt Nam. Chúng có đôi mắt chia nửa thành hai màu trắng và đen rõ rệt. Chiều dài cơ thể của chúng khoảng từ 3,8 cm đến 4,5 cm.
Cá màu (Borarus naevus) được phát hiện ở tỉnh Surat Thani thuộc miền Nam Thái Lan. Loài cá này, thân dài từ 1,5 cm – 2 cm, được tên khoa học là Boraras naevus do chúng có mảng màu đen nổi bật trên thân màu vàng.
Thằn lằn 2 chân (Jarujinia bipedalis). Được phát hiện ở huyện Suan Pung, tỉnh Ratchaburi, Thái Lan, đây là loài thằn lằn đầu tiên trên thế giới chỉ có 2 chân trước, nhưng không có 2 chân sau được phát hiện.
Dơi “mặt quỷ” (Murina beelzebub) là một trong 3 loài dơi mũi hình ống được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Các loài dơi mũi ống chỉ sống trong các khu rừng nhiệt đới, nhưng môi trường sống của chúng đang bị đe dọa do sức ép từ con người.
Trăn đuôi ngắn (Python kyaiktiyo). Loài trăn dài khoảng 1,5 m này được tìm thấy tại lòng suối Khu bảo tồn động vật hoang dã Kyaiktiyo của Myanmar. Tuy nhiên, chúng đang gặp phải các nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, săn bắn bất hợp pháp để lấy thịt, da và bị buôn bán làm vật nuôi lạ.

Theo Telegraph

 

people like INLOOK.VN fanpage