Bạn đang ở đây

"Kín"- một dòng tiểu thuyết miên man

Tên “Kín”, song, độ mở của tiểu thuyết lại nở rộng trong không gian, thời gian, cùng với sự dày đặc đến ngập ngụa, ngồn ngộn của chi tiết và chi tiết, đã khiến tiểu thuyết mang một giọng điệu gấp gáp, phong nhiêu và hổn hển trẻ trung.

 

Nguyễn Đình Tú có sở thích riêng và nhất quán: đặt tên tiểu thuyết cực ngắn - "Nháp", "Phiên bản" và bây giờ là "Kín". Đây là 3 cuốn tiểu thuyết liên tiếp xuất hiện trong 3 năm và được chú ý: 2008, 2009, 2010.

"Kín" ư? Cuộc sống nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, phải chăng như đoá sen đầu mùa hạ còn phong kín nhuỵ hương? Hay là cuộc viết tiểu thuyết của Tú, phải chăng, đến cuốn thứ năm, vẫn là một dòng mải miết miên man nhằm xâm nhập thám hiểm vào tận ngóc ngách thế giới bên trong đầy hoang vu rợn ngợp, đầy khắc khoải đan cài vô số chuyển động ngược chiều: các nhân vật trẻ tuổi của Tú vừa tự đập tan nát mình vỡ vụn, vừa ráng chịu đau đớn, tự tay “khâu vá” lại những mảnh vụn nát ấy cho lành lặn?

Bìa tiểu thuyết Kín.
Bìa tiểu thuyết "Kín".

Và cũng phải chăng, đấy là bi kịch cơ bản hiện nay của tầng lớp thanh niên đô thị đương đại Việt, là chất liệu tiểu thuyết ma lực, hấp dẫn nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú đến không thể cưỡng?

Thanh niên đô thị hôm nay ở Việt Nam quả là một chân dung hết sức phức tạp, luôn xoay chiều muôn mặt như khối vuông rubic. Và đương nhiên, khối vuông này còn có thể ví như cánh đồng lúa đang thì chín rũ, “ngày ngày nóng bức”, đợi tay người gặt hái. Phải chăng Nguyễn Đình Tú đã chờ chực sẵn, hay chính xác, đây là nơi đắc địa cho Tú đặt cây liềm gặt hái cái viết tiểu thuyết? Vả chăng, chính Tú vốn là cây viết tiểu thuyết trẻ, ưa thích một thử nghiệm phiêu lưu trong bộn bề chất liệu đời sống?

Thêm nữa, mặc lòng dù tên “Kín”, song, độ mở của tiểu thuyết lại nở rộng trong không gian, thời gian, cùng với sự dày đặc đến ngập ngụa, ngồn ngộn của chi tiết và chi tiết, đã khiến tiểu thuyết mang một giọng điệu gấp gáp, phong nhiêu và hổn hển trẻ trung.

Như thế, “Kín” là tên ngắn đặt cố tình cho tiểu thuyết thứ năm, mà Nguyễn Đình Tú nhằm “để hở”, hay là để mở tối đa, cho chất liệu đời sống ngồn ngộn ùa vào, thậm chí bị lộn trái chiều không gian, thời gian nghệ thuật, qua cánh cửa thể loại hầu như hoàn toàn để ngỏ…

Dĩ nhiên, sự mở rộng cố ý này đã tự nó thách thức chính chủ thể viết Nguyễn Đình Tú trong việc cấu trúc nội tại tiểu thuyết “Kín”.

Một mặt, chủ thể viết vẫn phải giữ được giọng kể tiểu thuyết theo cách riêng, đã được hình thành, khá là thông minh, bén nhạy của mình, với đậm đà tính truyền thông của báo chí. Mặt khác, lại chính chủ thể viết phải tìm cách lặn sâu tới đáy một loại chất liệu chưa hẳn đã là quen thuộc với nhà văn trẻ, về phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian Việt cổ truyền, rồi vấn đề lịch sử các vương triều Việt trong quá khứ…, và hơn nữa, lại phải tích hợp cả hai cách trên, nhằm đạt đến một phẩm giá viết tiểu thuyết mà nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến từng phân biệt (hay đòi hỏi) hết sức tinh tế, nghiêm ngặt: viết nội dung chứ không phải là kể nội dung.

Vì vậy, có thể cho “Kín” là một nỗ lực thoát hiểm của Nguyễn Đình Tú, khi người viết cố không sa vào cách kể chuyện theo tuyến tính, mà để mặc lòng cho các tuyến nhân vật luôn di chuyển đan bện vào nhau, các sự kiện đẩy đưa quá khứ - hiện tại, các nhân vật chan chát va chạm và xung đột, biến chuyển, thay hình đổi dạng để buộc phải trưởng thành ngay “khi người ta trẻ” trong các chiều kích thời gian - không gian đảo ngược…

Hầu như các nhân vật tiểu thuyết của Tú rất ít hoặc không thể được sống trong những gia đình hoà thuận, yên ấm, dù họ còn rất trẻ. Họ thường bị đẩy ra, hoặc tự mình vẫy vùng đào thoát khỏi gia đình chật hẹp, hoặc mê man đi theo tiếng gọi bạn bè hay tình ái, với những ham muốn bất chợt, bất thường…Và dường như nhân vật nào cũng nhuốm đậm chất bụi đời, thậm chí có nhân vật được tác giả đẩy đi lang bạt với Quỳnh, nhân vật nữ chính, lang thang phiêu linh, theo suốt cùng cô từ đầu đến cuối tiểu thuyết, và được đặt một cái tên “mã hoá”: Bụi đời chúa (cũng như thế, khi chính Quỳnh, có quãng đời lưu lạc, cũng được “mã hoá”, mang tên Lửa cháy).

Có thể thấy, Nguyễn Đình Tú muốn dụng công dựng chân dung tiểu thuyết của cả một thế hệ trẻ đang sống gấp gáp nhọc nhằn khắc khoải ở đô thị Việt, những đô thị châu thổ sông Hồng, tuy mượn màu hiện đại đã hàng trăm năm, song vẫn mang rất nặng căn tính nông dân của làng xã cổ truyền. Thế nên, chủ nhân trẻ tuổi của chúng, do vẫn cứ phải sống trong cái nơi căn bản là Kẻ Chợ ấy, như vẫn còn vướng víu nặng nỗi đồng quê…

Không vô tình, những phong tục cổ xưa, những tín ngưỡng dân gian nguyên sơ, nhất là những cảnh tượng tâm linh: hồn ma bóng quế, thờ cúng, lễ hội, hầu đồng, chiêm bái thần phật, đình chùa… cứ trở đi trở lại đậm đặc đến sa đà trong trang viết của “Kín”, cho dù không chắc tác giả có định viết tiểu thuyết về phong tục tập quán làng quê Việt cổ truyền.

Tuy nhiên, suốt 31 trường đoạn của tiểu thuyết này, và trong sự xuất hiện của khá nhiều nhân vật “vệ tinh” xoay vần, ta vẫn thấy bóng dáng lồ lộ của nhân vật nữ chính, mang tên loài hoa trắng muốt chỉ nở rực rỡ về đêm, và có lẽ cũng “mã hoá” một kiểu thân phận tiểu thuyết mà Nguyễn Đình Tú rất mê đắm khi hư cấu, đến mức dành cho nữ nhân vật này vị trí “hạt cơ bản” trong cấu trúc chung của “Kín”: đó là Quỳnh. Cuộc đời Quỳnh, oái oăm thay, lại là thân phận để mở nhất về tiểu thuyết, khi câu chuyện tiểu thuyết “Kín” trôi dần đến cuối, trong sự đan xen hữu lý của cả hai kiểu kết thúc: có hậu và không có hậu.

Tam giác không gian đô thị trong “Kín”: Hà Thành - Hải Thành - Dương Thành, rốt cuộc, càng chuyển động về cuối, càng trở nên chật chội với Quỳnh. Hệt như ngày nào, khi còn là thai nhi, Quỳnh đã muốn gấp rút chui ra khỏi lòng mẹ, giờ đây, cô cồn cào muốn ra biển, khi phát hiện mình đã lâm tình huống cùng đường cụt ngõ. Bởi vậy, nhân vật này đặc biệt yêu mến sự lênh đênh trên sóng biển và cuối tiểu thuyết, tác giả đã để cô từ bỏ tam giác không gian đô thị sống quen thuộc của mình, quyết liệt đi đến bờ biển mới: Quảng Thành.

Trước khi ra đi, có lẽ là đi mãi, Quỳnh còn kịp làm một cử chỉ (cũng được “mã hoá” như một chi tiết tiểu thuyết nhiều chủ ý): vung tay về phía biển, ném văng chiếc thẻ ATM xuống mặt biển khơi và tuyên bố với anh chàng cho đi nhờ xe máy: "Quay lại thôi! Đã đến lúc tôi phải đi tiếp rồi!".

Như những con sóng trẻ trung trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, những nhân vật của “Kín” dù dữ dội hay dịu êm, ồn ào hay lặng lẽ, thì khi muốn thấu hiểu mình là ai, là ai, họ cũng đã phải tìm ra tận biển…

Đó cũng là gặt hái tiểu thuyết của riêng tôi về tiểu thuyết miên man như một dòng chảy bất tận này…

 

Theo Vnexpress

people like INLOOK.VN fanpage