Bạn đang ở đây

Sự nổi dậy của loài khỉ: Để có thể làm người!

Câu chuyện của một con tinh tinh mang tên Ceasar nổi dậy giành lại những gì "của Ceasar" - tự do cho loài mình, đã làm không ít khán giả phải ứa nước mắt và tự vấn về thế giới mình đang sống.

Nội dung của bộ phim này, trong kịch bản gốc, được tóm tắt vỏn vẹn có một dòng: "Thông qua các cuộc thí nghiệm của con người nhằm tìm ra thuốc chữa căn bệnh Alzheimer (mất trí nhớ), con tinh tinh chịu sự thí nghiệm đã dùng trí thông minh đột biến của mình để lãnh đạo những con tinh tinh khác tìm đến tự do".

Thành công của các nhà làm phim là đã dẫn dắt tâm lý người xem đi từ sự ghê sợ ban đầu đối với loài tinh tinh hung hãn, trở thành người ủng hộ cuộc đào thoát của hàng trăm con tinh tinh trước sự bủa vây của máy bay, cảnh sát với đủ loại vũ khí sát thương. Con người với sự kiêu ngạo và hám lợi, đã không ngần ngại tác động vào thiên nhiên để tạo ra những nghịch lý với thế giới. Khi hậu quả xảy đến, con người lại không đủ lương tâm để nhận ra, nhưng đủ sự độc ác để tiêu diệt và che lấp tội lỗi của mình.

 

 

Nhóm các nhà biên kịch của bộ phim đã khéo léo sắp đặt những tình huống hết sức cảm động, mà con người hay tinh tinh cũng đều có giá trị như nhau. Khi người cha của Will Rodman (James Franco) mệt mỏi lắc đầu từ chối cuộc chạy chữa cuối cùng cho con mình, cũng không khác gì khi khỉ Ceasar rơi nước mắt nhìn đại tinh tinh giã từ cuộc sống, sau cú tấn công độc đáo từ thành cầu San Francisco vào máy bay khiến mọi khán giả trong phòng chiếu đều thảng thốt.

Ceasar với trí thông minh như một con người hoàn chỉnh, đã buồn bã hỏi chủ của mình rằng "tôi là ai" khi nhìn thấy chung quanh đều xa lạ với bộ dạng của mình. Và hình ảnh này không khác gì ánh mắt buồn bã của diễn viên James Franco khi nhìn phòng thí nghiệm và nhìn trại nhốt thú hoang. Con người cũng giống như tinh tinh, cũng sẽ thấy lạc lõng khi nhận ra rằng thế giới này thiếu lương tri và chỉ có kẻ mạnh muốn thống trị, đè bẹp mọi thứ chung quanh.

 


Tính từ ngày ra mắt 5/8, phim hiện thu về 256 triệu USD (tương đương 5.325 tỉ đồng) trên toàn cầu, so với kinh phí làm phim 93 triệu USD (tương đương 1.934 tỉ đồng). Tại Việt Nam, sau năm ngày công chiếu (từ 18/8) đã đạt hai kỷ lục: Phim ăn khách nhất vào cuối tuần qua (xếp trên các phim Xì trum, Cao bồi và quái vật ngoài hành tinh, Phù dâu, Kẻ báo thù đầu tiên...), và là phim 2D ăn khách thứ tư trong lịch sử phòng vé tại Việt Nam (sau các phim Nhật thực, Trăng nonFast Five).

Hàng trăm con tinh tinh như một đạo quân trật tự, tìm mọi cách để về đến rừng, về đến tự do, bất chấp hiểm nguy và cái chết là phần cao trào gây xúc động nhất của phim. Ceasar là con khỉ duy nhất có thể nói được, đã chấp nhận đương đầu với mọi thứ để kêu gọi một cuộc nổi dậy và nói thay đồng loại của mình, khi chung quanh nó chỉ là im lặng và chấp nhận. Từ chối một cuộc sống bình thường và an toàn, Ceasar chọn con đường về với tự do.

 

 

Kết thúc phim, mọi khán giả đều biết đó là một câu chuyện giải trí không có thật. Nhưng chắc chắn không ai có thể quên những gì họ cảm nhận được, rằng đôi khi sống giữa thế giới loài người, giá trị sống là điều có khi phải đánh đổi với giá trị tồn tại, để có thể còn là chính mình – như một con người.

Những ai đã nghĩ rằng bộ phim này có gì đó gần với The Planet of Apes (Hành tinh loài khỉ) do đạo diễn Tim Burton thực hiện vào năm 2001 đều ngạc nhiên trước phong cách hoàn toàn mới của phiên bản 2011. Với The Planet of Apes, ngân sách thực hiện ngốn hơn 100 triệu USD (tương đương 2.080 tỉ đồng), đem về tổng doanh thu hơn 300 triệu USD, (6.240 tỉ đồng) vẫn bị nhiều nhà phê bình đánh giá thấp vì nội dung cũ mòn. Còn với Sự nổi dậy của loài khỉ phiên bản 2011, đó lại là chuyện khác. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Rupert Wyatt đã vượt qua các nhận định giá trị phát triển của loài người quen thuộc của Vatican hay Darwin (1809–1882)... để trở thành một biểu trưng giá trị triết học của nhân văn và lương tâm.

 

 

Theo SGTT

Ảnh: MegaStar

people like INLOOK.VN fanpage