Bạn đang ở đây

Gucci: Thăng trầm một thương hiệu

Để đạt được ngôi vị thương hiệu thời trang được khao khát nhất thế giới của ngày hôm nay, Gucci đã trải qua rất nhiều thăng trầm từ một cơ sở nhỏ sản xuất túi xách và yên ngựa đến đế chế thời trang Gucci, từ Guccio Gucci đến cuộc chiến gia tộc… Nhưng không gì có thể ngăn trở sức sống mãnh liệt của một thương hiệu thời trang danh tiếng.

 

Sáng lập

Guccio Gucci sinh năm 1881 tại Florence, Italy, trong một gia đình có truyền thống làm đồ da thủ công và sớm kế nghiệp cha từ năm 26 tuổi. Dù vậy, bước ngoặc chỉ thực sự xảy ra khi Gucci sang London và Paris, tiếp cận với thẩm mỹ của giới quý tộc và đặt chân vào thế giới thời trang.
14 năm sau – 1921, Gucci mang tất cả những tinh hoa hấp thụ được về lại Frolence, mở ra cửa tiệm đầu tiên mang tên ông, vẫn tiếp tục sản xuất đồ da nhưng không còn là cửa hàng nhỏ buôn đi bán lại, Gucci thiết kế và sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo có một không hai dưới bàn tay lành nghề của thợ thủ công vùng Tuscan.
Mười mấy năm lưu lạc ở những kinh đô thời trang thượng lưu, Gucci nhận ra phong cách sống, thói quen, và cả mong muốn của tầng lớp quý tộc về cái đẹp. Ông biết rằng nhu cầu thời trang là vô hạn, và nó càng không có biên giới khi đặt trong sự hòa hợp, đồng bộ: người ta không cần một túi xách đẹp đơn thuần riêng lẻ mà mong muốn tất cả đều đi cùng với nhau, từ xách tay đến vali, từ túi đựng đến găng tay, mũ áo, trang sức. Gucci nắm bắt được điều đó, ông xây dựng nên thương hiệu Gucci từ nền tảng này cộng với gu thẩm mỹ tinh tế, thanh lịch. Những giá trị cốt lõi ấy đã dự báo cho một thương hiệu thời trang danh tiếng rồi đây sẽ hoàn thiện khái niệm Thời trang một cách hệ thống nhất.

Phát triển

Những sản phẩm được thiết kế tinh xảo, đồng bộ với tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng đã chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Trong vòng vài năm, bộ sưu tập túi, vali, găng tay, giày và thắt lưng của Gucci đã trở thành biểu tượng đắt giá trong số các thương hiệu thời trang.
Danh tiếng Gucci lan tỏa như cơn bão từ Florence đến Roma, dừng lại ở cửa hiệu mới trên đường Via Condotti năm 1938, rồi tiếp tục quét qua Milano – kinh đô thời trang nước Ý, và chỉ buộc phải yên ắng khi chiến tranh thế giới bùng nổ.
Nhưng khát vọng của Gucci thì không ngủ, nó thôi thúc ông tìm ra cách sinh tồn trong tình trạng thiếu nguyên liệu tiêu chuẩn dưới thời độc tài phát xít. Giữa lúc các thương hiệu thời trang khác ngắc ngoải vì thị trường nguyên liệu cao cấp đóng băng, Gucci cho ra đời túi xách bằng tre “Bamboo Bag”, và ngay lập tức được đón nhận nồng nhiệt.
Đến thập niên 50, vượt qua thiệt hại của chiến tranh, Gucci vươn sang Mỹ và chứng tỏ được đẳng cấp của mình khi trở thành thương hiệu thời trang Italia nổi tiếng nhất ở đây. Dải băng ba màu xanh lá cây – đỏ – xanh lá cây được ghi nhận như một dấu hiệu nhận biết thông dụng nhất của một thương hiệu thời trang.

Biến động

Giữa lúc cái tên Gucci chiếm lĩnh những cửa hàng sang trọng từ Milan, New York, London, Palm Beach, Beverly Hills... và hướng đến toàn cầu, thì Guccio Gucci qua đời năm 1953, để lại nỗi mất mát lớn lao trong lịch sử thời trang thế giới.
Từ đây, Aldo, Vasco, Ugo và Rodolfo tiếp tục kế thừa công việc kinh doanh của cha mình và không làm ông thất vọng. Vào những năm 1960, Gucci đổ bộ vào Hollywood, nhanh chóng trở thành một đế chế bên cạnh những dòng sản phẩm cao cấp khác. Sự ái mộ của các ngôi sao dành cho Gucci được thể hiện qua biệt danh thân mật “chic” (nghĩa là sang trọng, lịch sự).
Cũng ở giai đoạn này, Gucci liên tục giới thiệu những sản phẩm mới, nổi trội nhất phải kể đến là chiếc túi đeo vai có tên “Jackie O”, từng được Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy rất ưa thích, hay "Hobo Bag" nhận không ít sự hài lòng từ Liz Taylor, Peter Sellers và Samuel Beckett.
Các sản phẩm của Gucci cũng vinh dự góp mặt trong bộ sưu tập tại Viện nghiên cứu Trang phục thuộc Bảo tàng Nghệ thuật New York và Viện Nghiên Cứu Thời Trang Metropolitan.
Giữa thập niên 60, logo Gucci với 2 chữ G gắn liền với nhau chính thức được sử dụng và vẫn được hàng triệu triệu người mơ ước đến tận ngày nay.
Năm 1970, thỏa nguyện ước mơ còn dang dở của Guccio Gucci,  Gucci chinh phục Viễn Đông. Những cửa hiệu mới tại Hồng Kông và Tokyo đánh dấu sự lên ngôi của một đế chế thời trang trên vùng đất Châu Á.

Túi xách Jackie O những năm 1960

 

Suy thoái

Kể từ năm 1981, khi Maurizio Gucci tiếp quản công ty, sau đó là Demenico De Sole trở thành chủ tịch của Gucci America vào năm 1984, Gucci rơi vào tình trạng đấu đá triền miên.
Đằng sau vinh quang và sự hào nhoáng sang trọng của Gucci là một cuộc chiến gia tộc đã có lúc căng thẳng đến mức đẩy thương hiệu Gucci đến sát bờ vực. Sau thế hệ thứ 2, những người thuộc thế hệ thứ 3 tranh giành nhau quyền kiểm soát công ty. Không ai nhường nhịn ai, Paolo (con trai của Aldo) thì tố cáo việc trốn thuế khiến cha phải đi tù, Maurizio (con trai của Rodolfo) lập mưu thâu tóm công ty bằng cách liên kết với Investcorp để mua lại cổ phần thì bị anh em họ vạch trần việc giả mạo chữ ký nhằm trốn thuế thừa kế nên phải trốn sang Thụy Sĩ một thời gian.
Từ 1988 đến 1995 là thời kỳ đen tối trong lịch sử thương hiệu thời trang khi Investcorp - một tập đoàn đầu tư ở Bahrein mua một nửa cổ phần của Gucci, và trong lúc gia đình xào xáo thì đã mua nốt phần còn lại, thậm chí điều hành công ty vào năm 1993, chấm dứt truyền thống của dòng họ Gucci. Chuỗi ngày suy thoái xuống tới đáy khi Maurizio – người đang gánh vác thương hiệu thời trang danh tiếng, bị bắn chết ngay trước căn hộ của mình tại Milan vào năm 1995.
Bản sắc của Gucci cũng theo những biến động và mất mát gia tộc mà hao hụt đi. Đến giữa thập niên 90 thì Gucci đã bị coi là lỗi thời trong thế giới thời trang.

 

Khẳng định giá trị thương hiệu

Giữa lúc khủng hoảng trầm trọng, Mello may mắn phát hiện ra Tom Ford. Trong vòng 2 năm, từ một nhà thiết kế chưa có tên tuổi, Tom Ford trở thành giám đốc thiết kế, chỉ đạo dòng Ready to wear, nước hoa, hình ảnh, quảng cáo và thiết kế cửa hàng của Gucci.
Những cống hiến kịp thời của Tom Ford đã thổi một luồng sinh khí mới, vực dậy một thương hiệu thời trang đang bị tụt hậu. Điều đáng tiếc là suốt những năm làm việc không mệt mỏi đó, Tom Ford luôn bị Mello phủ bóng, mãi tới khi trở thành giám đốc sáng tạo năm 1994, tài năng của anh mới thực sự bùng nổ. Năm 1995, Tom Ford mang đến 2 gương mặt mới là nhà thiết kế nguời Pháp Carine Roitfeld và nhiếp ảnh gia đại tài Mario Testino, mở màn cho một chiến dịch quảng cáo hoàn toàn hiện đại, mới mẻ. Cũng trong năm này, tháng 10/1995, 48,2% tổng số cổ phiếu của Gucci đã được bản bởi Investcord và cái tên Gucci có mặt trên thị trường chứng khoán ở New York và Amsterdam. Tháng 3/1996, Investcord bán nốt 51,8% số cổ phiếu còn lại và Gucci trở thành một công ty độc lập hoàn toàn.
Những thay đổi đáng kể trên đã đẩy doanh thu của Gucci tăng chóng mặt: 90% trong 2 năm 1995 - 1996. Đến năm 1999, hãng thời trang suýt phá sản lúc Tom Ford gia nhập đã nắm trong tay 4,3 tỉ đô-la.


Tom Ford: người có công vực dậy Gucci

 

Domenico De Sole và chặng đường khôi phục danh tiếng Gucci

Một gương mặt khác đã làm nên diện mạo của Gucci song song với Tom Ford là luật sư người Ý Domenico De Sole. Gia nhập Gucci từ năm 1984, De Sole đã trải qua mọi thăng trầm của Gucci, từ lúc còn là một công ty đơn lẻ, ông cũng là người đã giám sát tiến trình sát nhập Gucci Group và tung ra những chiến lược Marketing phù hợp với giá trị thương hiệu của Gucci, đưa tên tuổi của thương hiệu thời trang này đến vị trí “Công ty châu Âu của năm” do Liên đoàn Doanh nghiệp châu Âu bầu chọn năm 1998.
Năm 1999 thực sự là một dấu mốc quan trọng khi Gucci liên minh với Pinault - Printemps - Redoute và chuyển toàn bộ công ty từ một nhãn hiệu đơn lẻ thành một tập đoàn đa nhãn hiệu.
Năm 2000, Gucci tiếp tục mở thêm hàng loạt cửa hàng. Cái tên Gucci giờ đây đã có mặt trên toàn cầu và khẳng định vị thế vững mạnh của một thương hiệu thời trang được khao khát nhất thế giới.

Domenico De Sole

 

Khủng hoảng lần thứ 2

Vượt qua những khó khăn để khôi phục một đế chế thời trang chưa bao lâu thì tháng 4/2004, Tom Ford rời khỏi Gucci sau khi ông và CEO Domenico de Sole - hai tượng đài đã làm nên điều kỳ diệu Gucci – không thể thương lượng với sếp trên tập đoàn PPR về việc điều hành nhóm thương hiệu Gucci. Sự mất mát đó báo động cho cuộc khủng hoảng lần thứ hai của người khổng lồ Gucci.


 

Tiếp tục xây dựng đế chế thời trang Gucci

Lần này, lịch sử thương hiệu Gucci được viết tiếp bởi hai cái tên hoàn toàn gây bất ngờ: Francois Henri Pinault và Robert Polet.
Francois Henri Pinault, người thừa kế xứng đáng của tập đoàn PPR đã có những quyết định gây sốc giữa thời điểm rối ren do bất đồng dẫn đến sự ra đi của Tom Ford cũng như áp lực thôi việc từ Domenico de Sole. Thay vì tìm một nhà thiết kế danh tiếng đảm nhận vị trí của Tom Ford trước đây, Pinault lại đặt niềm tin vào một nhóm các nhà thiết kế trẻ của Gucci: Alessandra Facchinetti phụ trách mảng quần áo phụ nữ may sẵn, John Ray nhận chức Giám đốc sáng tạo cho nhãn hiệu trang phục nam, Frida Giannini toàn quyền với mảng đồ trang sức, Stefano Pilati là Giám đốc sáng tạo cho Yves Saint Laurent - nhãn hiệu thuộc hãng Gucci. Và thực tế đã chứng minh hành động của Pinault mang lại hiệu quả như thế nào khi lợi nhuận của Gucci tăng trưởng mạnh mẽ, giúp thương hiệu thời trang này đứng vững trước kế hoạch thôn tính của LVMH.


Francois Henri Pinault
 

Nhà cầm quân tài ba

Nhân vật đình đám thứ 2 đằng sau thành công của Gucci là Robert Polet. Chỉ 1 năm sau khi Gucci là người một nhà với Tập đoàn bán lẻ hàng thời trang PPR, Polet trở thành chủ tịch kiêm CEO của đế chế thời trang lớn thứ 3 thế giới, bù đắp vào khoảng trống mà Tom Ford và Domenico De Sole để lại. Nhiều người từng dự đoán Polet sẽ thất bại vì thời trang cao cấp không phải đồ đông lạnh (lĩnh vực mà Polet từng chịu trách nhiệm ở Unilever trước khi đến với Gucci), nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Bằng phong cách và tài năng của mình, Polet đem đến những thành công không thể tưởng tượng được: trong vòng 4 năm, khoản thua lỗ 10 triệu USD của Bottega Veneta (một nhãn hiệu con của PPR) bốc hơi, thay vào đó là 80 triệu USD lợi nhuận. Ân tượng hơn nữa khi Polet lần lượt thâu tóm các thương hiệu Stella McCartney, Alexander McQueen và Balenciaga; tạo dựng được cơ sở vững chắc để mở rộng hoạt động ra Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực châu Á trong thời gian tới; đồng thời vẫn bảo vệ được hình ảnh thương hiệu thời trang Gucci trước cơn bão “Made in China”.


Robert Polet

 

Thương hiệu thời trang được khao khát nhất thế giới

Năm 2006, doanh thu của Gucci đạt 7 tỉ USD toàn cầu và xếp ở vị trí thứ 46 trong bảng xếp hạng hàng năm "Top 100 sản phẩm" của tạp chí BusinessWeek.
Còn Polet được Tạp chí Fortune bình chọn và trao giải thưởng danh giá “Doanh nhân xuất sắc của châu Âu” năm 2007.
Liền sau đó, ngày 24/4/2008, Gucci tiếp tục được Tổ chức Millward Brown Optimor bầu chọn là một trong 100 thương hiệu marketing mạnh nhất của thế giới.
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm và việc kinh doanh hiện nay khá dao động do thị trường liên tục thay đổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Gucci vẫn là một thế lực áp đảo trong thế giới thời trang. Những biến cố dồn dập đã phải lùi bước trước sự vững mạnh của một thương hiệu thời trang đã tồn tại qua 90 năm và không hề có dấu hiệu dừng lại.


 


Theo HVN
 



 

people like INLOOK.VN fanpage