Bạn đang ở đây

Chỉnh sửa mũi: nhiều biến chứng

Thời gian gần đây, việc nâng mũi, sửa mũi đã thành “mốt” của chị em. Nhiều người cho rằng, sửa mũi sẽ thay đổi số phận, bỗng chốc giàu có. Chuyện giàu, đẹp thì chưa rõ, nhưng đã có không ít người phải vào bệnh viện vì bị vẹo hoặc nhiễm trùng.

Thà mũi tẹt như cũ còn… xinh hơn!

Cẩm Quyên (Q.Gia Lâm, TP.Hà Nội) tâm sự như vậy, sau  khi khắc phục biến chứng của phẫu thuật nâng mũi. Nghe lời thầy bói phán: đi thẩm mỹ nâng mũi thì sẽ được đổi số, giàu có, Cẩm Quyên đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội tiến hành nâng mũi. Lúc mới làm, chiếc mũi trông khá xinh xắn, nhưng được vài tuần, phần mũi nâng ửng đỏ, sưng tấy. Khi đến Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh-pôn) để khám, bác sĩ yêu cầu Quyên phải tháo bỏ chất liệu nâng mũi ngay để tránh những biến chứng có thể gây loét và dẫn đến hoại tử phần mô bên trong.

 

Bảo Ngân (Q.Ba Đình, Hà Nội) thì tâm sự: “Từ ngày nâng mũi, khi nằm nghiêng cái mũi như bị xô xuống, rất khó chịu”. Riêng Phương Thảo (TP.Việt Trì, Phú Thọ) sau khi chỉnh sửa mũi thì cứ bị sụt sịt. Theo các bác sĩ, việc phẫu thuật không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã gây tổn thương vùng xoang, dẫn đến thường xuyên chảy nước mũi.

Nguy cơ biến dạng gương mặt

Theo PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh-pôn), hiện có hai chất liệu để lựa chọn nâng mũi: chất liệu tự thân và chất liệu nhân tạo. Bác sĩ có thể lấy chất liệu tự thân từ sụn tai, sụn sườn hoặc từ xương trụ, xương sọ, xương mào chậu… Chất liệu tự thân dễ tương hợp với nơi tiếp nhận nhưng phẫu thuật phức tạp, khó tạo dáng và khó chỉnh sửa sau phẫu thuật. Còn chất liệu nhân tạo thì dễ tạo dáng, có thể thay mới khi khách hàng không hài lòng, với thao tác nhanh gọn. Cho nên, hầu hết các cơ sở thẩm mỹ thường chọn vật liệu nhân tạo để tạo hình mũi cho khách hàng.

Kỹ thuật nâng mũi rất đơn giản và thực hiện nhanh trong vòng 15 phút sau khi gây tê tại chỗ khoảng 30 phút. Có nhiều đường rạch để đưa chất liệu vào, nhưng đường rạch thông dụng và dễ thao tác nhất là đường rạch ở bờ tự do của cánh mũi. Khoang được bóc tách để đặt implant phải vừa đủ; rộng quá sẽ di lệch chất liệu độn sau phẫu thuật, hẹp quá thì khó đặt chất liệu độn và dáng  mũi không đẹp.

PGS-TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, với phẫu thuật chỉnh sửa mũi, việc vô trùng rất quan trọng. Thời gian qua, Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh-pôn) đã gặp nhiều ca bị biến chứng sau phẫu thuật nâng mũi. Các biến chứng thường gặp là đào thải chất liệu, nhiễm trùng, lộ chất liệu, vẹo mũi, hai cánh mũi không đều hoặc phản ứng của da nơi đặt chất liệu. Nhằm tránh gây biến dạng gương mặt, những trường hợp này đều được tư vấn tháo bỏ chất liệu nâng mũi.

Theo PNO

people like INLOOK.VN fanpage