Bạn đang ở đây

Mỹ phẩm gây “nghiện”

Theo các chuyên gia da liễu, mỹ phẩm trắng da cấp tốc thường chứa corticoid và thành phần này không những gây nhiều biến chứng mà còn có khả năng khiến người dùng bị “nghiện”.

> Chiến đấu với rạn da

 

làm đẹp

Mơ ước có làn da trắng mịn luôn thôi thúc chị Quyên săn tìm các loại kem làm trắng da tại chợ “công nhân”. Nghe bạn bè tư vấn, chị mua một hũ kem nhân sâm về thoa. Sau ba ngày sử dụng, da mặt chị bắt đầu lột và trắng lên thấy rõ. Thử ngừng dùng, thấy da sạm trở lại, chị bôi tiếp. Không ngờ, sau hai tháng, mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện trên mặt chị, kéo theo là mụn mủ đỏ. Chị Quyên đến BV Da liễu TP.HCM khám bệnh, mang theo hũ kem để hỏi cho rõ. Do hũ kem không ghi thành phần bên ngoài nên không ai rõ nguyên nhân “phá da” chị là gì. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, khả năng mỹ phẩm chị Quyên dùng có chứa corticoid là rất cao, vì đó là một trong những “thần dược” có tác dụng làm trắng và mịn da nhanh chóng.

Theo ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, corticoid vốn là một loại nội tiết tố của cơ thể, được sản xuất ở vỏ thượng thận. Corticoid thường được sử dụng để điều trị triệu chứng bệnh da có viêm mãn tính như vảy nến, chàm thể tạng, viêm da tiết bã, chàm đồng tiền, tổ đỉa, viêm kẽ, mề đay, lupus đỏ, viêm da tiếp xúc dị ứng... Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, người dùng có thể bị các triệu chứng nặng nề ở da.

mỹ phẩm

ThS-BS Vân Thanh cho biết, khi sử dụng sản phẩm có chứa corticoid, người dùng có thể gặp phản ứng phụ tại chỗ như lệ thuộc thuốc (nghiện thuốc), làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm siêu vi. Bệnh nhân thường bị teo da sau ba-bốn tuần thoa thuốc. Các biểu hiện trên da gồm: giãn mạch, rạn da, phát mụn, rậm lông... Corticoid cũng gây loét trên vết thương hở, viêm da quanh miệng, quanh mắt, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da kích thích... làm rối loạn sắc tố da: tăng hay giảm sắc tố vùng da bôi thuốc, dễ bầm máu. Bên cạnh đó, còn có hiệu ứng phụ toàn thân như suy trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, hội chứng Cushing, tăng huyết áp, nhãn áp, tiểu đường, trẻ em chậm lớn...

Với người mới sử dụng, để tránh tình trạng nghiện corticoid, không nên dùng quá hai lần/ngày. Nếu phải dùng thuốc bôi cho bệnh ngoài da, chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn. Nếu kéo dài, cần dùng ngắt quãng. Khi có những phản ứng phụ xảy ra, phải ngừng dùng thuốc, đem theo sản phẩm tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nếu rơi vào tình trạng nghiện thuốc, không nên ngưng thuốc đột ngột vì dễ gây hiện tượng hồi phát mà chỉ nên giảm liều dùng và sử dụng thưa dần, như dùng cách ngày, cách tuần… để da thích ứng dần rồi mới bỏ. Những trường hợp bị tác dụng phụ của mỹ phẩm có chứa corticoid phải mất khá nhiều thời gian để điều trị “nghiện”, tối thiểu là vài tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cần ăn nhiều rau củ, trái cây, uống nhiều nước, hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều dầu, mỡ, chất cay...

Theo PNO

 

people like INLOOK.VN fanpage