Bạn đang ở đây

12 điều mẹ cần lưu ý chăm con lúc giao mùa

Giao mùa là lúc thời tiết khó chịu, độ ẩm không khí cao và rất dễ làm các bé bị ốm. Bạn hãy nắm những "bí kíp" giúp bé miễn dịch với ốm giao mùa nhé.

1. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài

Đeo khẩu trang không chỉ giúp cản bụi bặm khi đi ngoài đường mà còn giúp ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô  hấp. Vì vậy, tập thói quen đeo khẩu trang từ nhỏ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt trong lúc giao mùa, nhiều bệnh dịch, đeo khẩu trang sẽ bảo vệ trẻ khỏi sự lây nhiễm trực tiếp từ không khí, nước bọt, dịch đường mũi họng…

2. Uống nước thường xuyên

Trong thời điểm giao mùa muốn cho cơ thể luôn có sức đề kháng tốt, không thể vắng mặt thành phần của nước. Lượng nước cơ thể cần bổ sung mỗi ngày trung bình cần khoảng 8 ly, nhưng con số này có thể dao động phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thói quen luyện tập... của bạn.

3. Bổ sung dinh dưỡng

Tăng cường các thực phẩm có chứa kẽm và selen - 2 vi chất có tác dụng  nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất.

Kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của vi-rút cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “khắc tinh của vi-rút”.

Thực phẩm chứa kẽm bao gồm: con hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng...

4. Bổ sung vitamin A, vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm

Vitamin A, C hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện,tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch cho cơ thể

Vitamin C còn có thể đẩy các chất có hại ra ngoài tế bào bạch huyết, phục hồi khả năng các tế bào bị thương tổn. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh...

Vitamin A có khả năng chống lại vi-rút, tăng cường chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm cà rốt, gan động vật, thịt đỏ, rau ngót, đu đủ...

5. Thêm tỏi vào bữa ăn gia đình

Tỏi được coi là “vua” của các loại gia vị vì nó có tác dụng phòng ngừa cảm cúm và chứa những hợp chất “đánh bại” các tế bào ung thư nguy hiểm như ung thư da, ruột, vú và dạ dày.

Đông y còn sử dụng tỏi như một vị thuốc để điều hòa huyết áp, chống mất ngủ, giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp…

6. Rửa tay xà phòng ít nhất 20 giây 1 lần

Không phải cứ trực tiếp tiếp xúc với người bệnh mới có khả năng nhiễm bệnh. Virus, vi khuẩn tồn tại ngay ở những vật trung gian: khăn, cốc, đồ chơi, điện thoại, nút bấm thang máy… Vì thế cha mẹ cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là sau khi đi học, đi chơi về hoặc trước khi ăn. Trẻ cần phải được hướng dẫn cụ thể cách rửa tay để đảm bảo bàn tay được sạch sẽ (xoa kĩ lòng bàn tay, đầu ngón tay, cổ tay….trong ít nhất 20 giây) và luyện cho trẻ thói quen không mút tay, không cho đồ chơi vào miệng.

7. Nhỏ nước muối sinh lý

Thời tiết thay đổi khiến mũi trẻ thường bị khô, ngạt hoặc chảy mũi nước. Lọ nước muối sinh lý chính là vật dụng cần thiết lúc này. Vài giọt nước muối ấm (mẹ có thể ngâm ấm và thử ở cườm tay trước khi nhỏ cho con) sẽ giúp trẻ dễ thở hơn, làm sạch chất nhầy, ngăn ngừa dịch mũi chảy xuống họng, gây viêm họng và ho.

8. Mặc quần áo phù hợp

Thời tiết lúc giao mùa có thể biến đổi từ lạnh sang nóng, từ nắng đến mưa chỉ ngay trong một ngày…Vì thế cha mẹ nên chuẩn bị quần áo cho phù hợp. Bởi nếu mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều mà mặc phong phanh thì cũng dễ bị cảm lạnh, ho, sốt…

Nên nếu trẻ đến trường, trong balo của trẻ cần có quần áo của cả 3 mùa, áo khoác khi đi đường, bộ dài tay nếu trời  trở lạnh, bộ ngắn tay nếu trời nóng lên.

Quần áo khi đi ngủ cũng là điều cần lưu ý. Tùy thời tiết và nhiệt độ phòng mà bố mẹ điều chỉnh cho con nhưng tốt nhất là nên mặc đồ cotton thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, không để hở cổ và hở bụng.

9. Vận động ngoài trời

Tự thích nghi là cơ chế tuyệt vời nhất của cơ thể con người và cha mẹ hoàn toàn có thể rèn luyện cho con. Nếu sợ ốm mà giữ con trong nhà thì trẻ càng yếu và dễ mắc bệnh. Hãy tạo điều kiện cho trẻ làm quen với sự thay đổi của thời tiết bằng cách thường xuyên cho trẻ vận động ngoài trời (đi bộ hàng ngày, đi chơi công viên…)

10. Tùy thuộc thể trạng của trẻ để chọn những môn thể thao phù hợp

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể thao để có cơ hội hít thở không khí trong lành,tăng cường trao đổi chất

Nếu trẻ có xu hướng thừa cân, nên chọn bơi lội, đá cầu, cầu lông… Tuy nhiên, những bé yếu ớt thì không nên chọn những môn đòi hỏi mất nhiều năng lượng, bé sẽ mệt, thậm chí suy kiệt cơ thể sau những buổi tập luyện quá sức.

11. Ngủ đúng giờ, đủ giấc

Hãy đảm bảo trẻ ngủ trong môi trường thoáng gió và thoải mái. Điều chỉnh đồng hồ sinh học cho khớp với môi trường bên ngoài giúp bé khoẻ khoắn hơn trong lúc giao mùa.

Hai, ba tiếng trước khi đi ngủ, nên tránh ánh sáng mạnh bởi chúng có thể trì hoãn cơn buồn ngủ. Các mẹ nên gọi con dậy trước giờ đi học ít nhất một tiếng đồng hồ. Những ngày con được nghỉ, không nên cho con ngủ trưa quá nhiều vì khi dậy, trẻ dễ có dấu hiệu mệt mỏi.

12. Không tự chữa bệnh cho con

Khi thấy con ho, sốt, không ít người đã tự ra hiệu thuốc, mua kháng sinh về “điều trị”. Mỗi thể viêm có phác đồ điều trị riêng, có loại bệnh dùng kháng sinh này, loại dùng kháng sinh khác, cũng có loại bệnh không nên dùng kháng sinh. Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khi dùng thuốc bừa bãi. Vì thế, khi có những triệu chứng kể trên, cách tốt nhất là cho trẻ đến cơ sở y tế.

Theo Nguoi Dua Tin
people like INLOOK.VN fanpage