Bạn đang ở đây

TV không phải “bảo mẫu”

Khi trẻ mới tập ăn dặm, chúng ta bật TV để trẻ mải xem quảng cáo mà nuốt cho nhanh. Trẻ lớn hơn một chút, ta “ấn” chúng ngồi trước TV để chúng khỏi nhổng ra đường - xe cộ nguy hiểm biết đâu mà lường, ta tặc lưỡi, dù biết xem TV sẽ không tốt cho mắt của trẻ.

Giờ đây, trẻ đã bước vào tuổi đến trường, và chúng ta chợt giật mình khi nhận thấy, hễ về đến nhà, cặp sách còn chưa kịp tháo khỏi vai, chúng đã vội vàng giục ông bà bật TV.

Các bậc phụ huynh ngày nay cho trẻ em xem TV từ rất sớm và coi đó là một phương tiện giáo dục quan trọng, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới đã chỉ ra vô vàn tác hại mà TV mang tới cho trẻ.

Chuyên gia Marie Evans Schmidt thuộc Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, từng nói với đài BBC một cách khiêm tốn rằng “TV không biến một đứa trẻ bình thường thành thiên tài”. Nhưng nhiều chuyên gia khác thích nói thẳng hơn: “Xem TV chỉ có hại cho trẻ mà thôi.”

xem ti vi

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến trí tuệ

Mới đây, tờ Telegraph (Anh) đưa tin, trẻ em xem TV quá hai tiếng mỗi ngày yếu đuối hơn nhiều so với các bạn cùng lứa không xem TV. Các chuyên gia khẳng định, qua kiểm tra thể dục nhịp điệu, họ phát hiện ra các bé gái xem TV bốn tiếng mỗi ngày thì thể lực chỉ bằng một nửa so với các bé gái xem dưới hai tiếng. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì nói con số tối đa cho phép là ba tiếng mỗi ngày.

Trước đó, các chuyên gia New Zealand cũng kết luận, xem TV càng nhiều thì kết quả học tập càng kém. Họ đã phải phân tích thông tin từ nhiều gia đình thu thập suốt từ những năm 1970 đến năm 2005. Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng, chất lượng chương trình truyền hình cũng ảnh hưởng tới trí tuệ người xem không kém.

Nhiều bác sĩ nhi khoa trong nước từng khuyến cáo chính thức trên báo chí từ năm 2007 rằng TV thậm chí có thể làm trẻ chậm nói, sau khi nghiên cứu nhiều bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ này cũng đề nghị áp dụng phương pháp của Hàn lâm Viện Nhi khoa Hoa Kỳ: cấm trẻ em dưới hai tuổi xem TV; trẻ em 2-5 tuổi chỉ được xem TV không quá một tiếng mỗi ngày.

Ngộ độc văn hóa

Đầu năm nay, Telegraph lại dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Anh, Lord Fowler, nói rằng trẻ em Anh đang lớn lên với tâm hồn... Mỹ. Ông Fowler than phiền, các phim truyền hình Hannah Montana hay The Simsons làm thay đổi lối sống và khiến cho các em hành động như phim, khi có việc khẩn cấp là bấm số 911 hoặc 999 chứ không biết phải xử lý thế nào.

“Phần lớn cha mẹ chẳng biết con cái họ xem gì. Họ quá bận làm việc hoặc tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần. Khi có chuyện thì họ chỉ biết quát tháo ầm ĩ, bắt con tắt ngay TV chứ không chịu tìm hiểu xem nội dung chương trình ra sao,” ông Fowler nói.

Các chuyên gia trên khắp thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cha mẹ trong giáo dục trẻ, nhất là trong việc chọn chương trình có nội dung phù hợp.

Điều đáng lo ngại là ở Việt Nam, rất nhiều bậc phụ huynh coi TV như một thứ “bảo mẫu”, cho trẻ xem TV đơn giản là để trẻ quên đùa nghịch. Những gia đình mà cả nhà chung nhau một TV thì con cái được thoải mái xem đủ loại chương trình cùng ông bà, bố mẹ, từ quảng cáo cho tới phim nhiều tập chỉ dành cho người lớn. Điều đáng nói nữa là hầu hết các kênh truyền hình chuyên dành cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay đều tiếp sóng từ truyền hình nước ngoài, như Disney Channel hay Cartoon Network... Trẻ em Việt Nam lớn lên mà không suy nghĩ, nói năng như các nhân vật trong High School Musical hay Hannah Montana thì mới là lạ.

trẻ xem ti vi

Cha mẹ làm gì?

Đài BBC cho biết đã chi tiền “nhiều chưa từng có” cho các chương trình thiếu nhi – 120 triệu bảng mỗi năm. Bên cạnh đó, các dự án không thực sự cấp thiết – như phát triển truyền hình kỹ thuật số - có thể cũng sẽ được hoãn hoặc giảm kinh phí để chuyển sang cho kênh thiếu nhi.

Nếu có ngân khoản rộng rãi mà đầu tư như nước Anh thì tốt rồi. Nhưng một nước nghèo như Việt Nam, đến 3/4 phim truyền hình phải nhập từ nước ngoài thì sao? Câu trả lời là các vị phụ huynh phải tích cực dạy con mình thay vì phó mặc cho chương trình truyền hình.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, đơn vị Tâm lý, BV Nhi Đồng 1, TP HCM nói rằng: “Xem TV và chơi game có ý nghĩa khi trẻ thực hiện điều này có chừng mực và người lớn phải biết chọn chương trình phù hợp với trẻ, đồng thời hướng dẫn cách tiếp cận kiến thức.”

Bà cũng khuyến cáo các biện pháp riêng cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Chẳng hạn, với độ tuổi dưới 3, “khi trẻ nói một từ, cha mẹ nên thêm từ khác vào. Ví dụ như trẻ nhìn thấy con chó, phụ huynh nên thêm vào những đặc điểm khác như ‘chó đốm’, ‘chó sủa’... để thế giới ngôn từ của trẻ thêm phong phú.” Với trẻ 4 tuổi, việc tìm các chương trình dạy số, dạy xếp chữ, dạy xếp đồ vật từ lớn nhất đến nhỏ nhất, từ xa đến gần, theo bà Thanh, là hết sức cần thiết vì giai đoạn này, trẻ có nhu cầu tìm hiểu những kiến thức cao hơn.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng nhấn mạnh, thói quen sinh hoạt gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu một ông bố đêm nào cũng thức khuya chơi game online ngay trong phòng ngủ hoặc xem TV quá nhiều thì chắc chắn đứa con sẽ bị nhiễm “bệnh” thức khuya.

Tóm lại, trách nhiệm lớn nhất vẫn là của các bậc cha mẹ, còn TV hay không TV chỉ là yếu tố phụ mà thôi.

Lời con trẻ

“Mỗi tối mẹ cháu cho xem TV nửa tiếng, kênh Cartoon, nhưng trước đó cháu phải học xong bài đã. Cháu nghĩ không nên cấm trẻ con xem TV vì xem ít thôi để vẫn có thời gian học bài và chơi với các bạn thì tốt chứ ạ.”

Việt Anh, 9 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội

“Mỗi ngày cháu xem TV hai tiếng, cháu thích chương trình Disney Channel và MTV. Nó giúp cháu đỡ căng thẳng sau giờ học, nhưng cháu cũng cố gắng không xem TV nhiều quá, vì cháu biết tập đàn, đọc sách và đi chơi với các bạn vẫn tốt hơn ạ.”

Mai Lan, 13 tuổi, Xuân Diệu, Hà Nội

“Thỉnh thoảng cháu xem TV hàng giờ liền, cuối tuần còn xem nhiều hơn. Tuy nhiên cháu nghĩ bố mẹ nên lo lắng con mình xem gì hơn là xem bao lâu. TV cũng có tác dụng giáo dục chứ, về môi trường này, về cách nấu ăn này... Nhưng đúng là một số bạn lớp cháu giờ cử chỉ, nói năng cứ như Troy và Gabriella trong High School Musical ấy...”

Bích Hương, 14 tuổi, Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội

“Cháu xem TV mỗi ngày bốn tiếng, cháu biết là hơi nhiều, nhưng TV cũng dạy cho cháu đủ thứ. Cháu thích kênh Discovery. Trên đó luôn chiếu những bộ phim tài liệu cực kỳ hấp dẫn như về vật liệu siêu rắn hay hoạt động cứu hộ trong các thảm hoạ lớn.”

Hoài Nam, 14 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội

GĐT

people like INLOOK.VN fanpage