Bạn đang ở đây

Gái làng tỷ phú chỉ dám lấy trai làng tỷ phú

Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh được biết đến là một ngôi làng tỷ phú. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, ở Đồng Kỵ có một lời nguyền về chuyện dựng vợ gả chồng cùng những quy định về cưới xin hết sức độc đáo.
 

Lời nguyền dựng vợ gả chồng

Phường Đồng Kỵ (tên gọi cũ là làng Cời, Từ Sơn, Bắc Ninh) là một khu vực rất phát triển, đời sống người dân đã được cải thiện và nâng cao. Nơi đây được mệnh danh là “làng tỷ phú” bởi người dân làm nghề buôn bán đồ gỗ rất có tiềm lực về kinh tế.

Thế nhưng, khác với vẻ bề ngoài hiện đại, ở Đồng Kỵ lại có những quy định riêng biệt, lạ lùng về hôn nhân. Mấy trăm năm nay, trai gái Đồng Kỵ không được kết hôn với trai gái làng Sặt (ngôi làng kế bên). Đa số trai gái Đồng Kỵ lấy nhau, hiếm khi lấy chồng, lấy vợ thiên hạ.

Cụ Dương Văn Tám (82 tuổi)  - một cao niên trong làng kể lại câu chuyện dẫn đến lời nguyền không cho trai gái hai làng Cời – Sặt lấy nhau: Tương truyền, từ thời xa xưa có một người con trai Đồng Kỵ đem lòng yêu tha thiết và lấy một người con gái ở làng Sặt kế bên làm vợ. Gia đình hai bên rất phấn khởi vui mừng vì có con rể bên Đồng Kỵ rất giỏi giang, năng động và con gái làng Sặt cũng rất nết na, xinh đẹp.

Thời gian đầu về chung sống, hai vợ chồng rất yêu thương nhau và hạnh phúc. Lấy nhau không lâu, anh chị vui mừng đón cậu con trai đầu lòng. Tuy nhiên, thời gian sau đó, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra to tiếng, xô xát, chị vợ thường xuyên bỏ về nhà mẹ đẻ. Mâu thuẫn ngày càng gia tăng, không chỉ với hai vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến gia đình hai bên.

 


Kết quả là mỗi người một nơi. Do có con thơ nên khi chia tay, chuyện nuôi và chăm sóc con hai người vẫn phân chia rất rõ ràng. Ban ngày, người chồng có tránh nhiệm nuôi con từ 6h sáng đến 18h, thời gian buổi tối còn lại là người mẹ. Ngày đó, làng Sặt và Đồng Kỵ có một chiếc cầu Đôi giữa hai làng và hai người thống nhất hết giờ nuôi con sẽ mang con đặt vào một chiếc võng ở đó.

Cứ thế, hai người chẳng nói chẳng rằng và để không giáp mặt nhau, người nào đến đón thường đón con sau giờ quy định khoảng 5, 10 phút. Một hôm, trời mưa gió, sấm chớp đến giờ người bố vẫn mang đứa con trai đến như thường lệ rồi đi về, nhưng người mẹ nghĩ trời mưa gió như thế chồng sẽ không mang con đến nên không ra đón con.

Đứa bé chết vì mưa lạnh. Ngay lập tức, dân làng Đồng Kỵ cùng các già làng mang một con gà trống kéo nhau đến cửa chùa Đức Ông chém đầu, lấy tiết gà uống máu ăn thề với lời nguyền “bao giờ thế đất đổi trời, cho Sặt với Cời lấy nhau. Cũng kể từ đó mà người Đồng Kỵ không bao giờ cho phép con cái lấy vợ hay gả chồng với làng Sặt. Lời nguyền đó đến nay vẫn còn được lưu truyền và nhất nhất tuân theo.

Ông Nguyễn Khánh Tu –Trưởng ban di tích phường Đồng Kỵ cho biết: “Đồng Kỵ vẫn cho phép con gái, con trai lấy vợ gả chồng ở ngoài, nhưng tuyệt đối không cho kết duyên với làng Sặt. Lời nguyền đó cách đây khoảng 400 – 500 năm rồi, cho đến bây giờ, mọi người vẫn tuân thủ. Mặc dù, trai gái hai làng rất thích nhau, muốn lấy nhau bởi trai Đồng Kỵ có tiếng giỏi giang, năng động lại phóng khoáng, gái làng Sặt nổi tiếng xinh đẹp, da trắng, má hồng, nết na thùy mị nhất vùng nhưng cũng không dám lấy nhau vì đã có lời nguyền”.

Lời nguyền đã được lưu truyền mấy trăm năm khiến gia đình nào cũng tuân theo một phần vì theo luật lệ nhưng phần lớn là do tâm lý sợ sệt. Cách đây vài năm, có một trường hợp vượt qua lời nguyền và sự ngăn cản của gia đình, chàng trai Đồng Kỵ Dương Văn Tư và cô gái trẻ bên làng Sặt Nguyễn Thị Hồng lấy nhau. Hai người yêu nhau thắm thiết, cho dù gia đình có ngăn cản đến mức nào thì anh chị vẫn quyết định đến với nhau.


Cuối cùng, gia đình hai bên đành chấp nhận tổ chức đám cưới cho con. Hai người lấy nhau sống rất hòa thuận, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong lúc chị Hồng có thai thì anh Tư bỗng nhiên qua đời mà không hiểu lý do làm sao. Các bác sĩ kết luận rằng anh Tư bị cảm.

Chị Hồng đau đớn tột cùng, trong phút chốc chị trở thành một người phụ nữ góa chồng, thương con chưa kịp nhìn mặt cha, thương cho cuộc đời mình bất hạnh. Đây cũng là trường hợp đầu tiên mà trai gái Cời – Sặt lấy nhau. Nhiều người cho rằng, do chống lại lời nguyền của các cụ mới đến nông nỗi đó.  Kể từ đó, người dân nơi đây càng tin vào lời nguyền, trai gái Đồng Kỵ cũng tự ý thức được trong chuyện kết bạn, yêu đương.

Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy

Ở Đồng Kỵ, không chỉ có lời nguyền truyền kiếp về chuyện dựng vợ gả chồng mà nơi đây còn có những quy định về chuyện kết hôn của nam nữ và các tục lệ riêng biệt trong đám cưới. Con gái, con trai Đồng Kỵ thường lấy nhau chứ rất hiếm khi lấy ở thiên hạ.

Một phần vì từ xa xưa nhà gái thách cưới cao hơn hẳn so với các làng khác bởi vậy con trai ở ngoài rất hiếm khi đến đây hỏi vợ, phần khác vì việc cưới hỏi của con cái vẫn có sự quyết định lớn từ phía ông bà bố mẹ. Khi con trai nơi khác đến tìm hiểu gái Đồng Kỵ hoặc người lại thì gia đình đều không ngăn cấm, thậm chí cho thoải mái yêu đương.

Nhưng yêu là một chuyện mà để tiến đến hôn nhân lại là chuyện khác. Ở Đồng Kỵ, chuyện dựng vợ gả chồng cho con đều phải đặt ra các tiêu chí cụ thể, một trong những tiêu chí quan trọng nhất đó là gia đình hai bên cần “môn đăng hộ đối”. Hầu như trai nơi khác đến Đồng Kỵ thì đều không lấy được gái trẻ, gái xinh, họa hoằn lắm chỉ chỉ lấy được nhưng cô quá lứa lỡ thì.

Bởi con gái tuổi mười tám đôi mươi trong làng đã được cho vào tầm ngắm của những ông bố bà mẹ muốn kiếm lấy cô con dâu hợp với con trai và gia cảnh nhà mình. Nói cách khác, trai gái Đồng Kỵ mới lớn lên đã được “xí” trước cho nhau.

Ngoài ra, ở Đồng Kỵ vẫn tồn tại chuyện mai mối. Khi con cái đến tuổi cập kê, nếu có người đang tìm hiểu thì sẽ xem xét và cân nhắc gia đình nhà đó nề nếp ra sao, có môn đăng hộ đối không, đức tính người con trai hay con gái đó thế nào mới quyết định.

Còn con cái đến tuổi mà chưa tìm hiểu ai, gia đình sẽ nhờ người mai mối. Khi đã ngắm được gia đình "hợp" với nhà mình, họ cho hai con tìm hiểu nhau trong một thời gian ngắn nếu hai bên ứng ý sẽ tiến hành hôn lễ, còn không cũng không bắt ép và lại tiếp tục tìm hiểu đám khác.

Hầu hết, trai gái đồng Kỵ thường nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay “yêu là cưới”, do vậy có rất nhiều trường hợp mai mối, bắt ép mà không thành. 

Ông Chử Văn Trung (80 tuổi) – một cao niên trong làng cho biết: “Bây giờ giới trẻ khác xưa nhiều rồi, có rất nhiều người cam chịu và làm theo sự sắp đặt của cha mẹ và tin rằng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, lấy nhau rồi, sống với nhau sẽ yêu nhau thôi. Có rất nhiều trường hợp cũng bén thật, sống rất ôn hòa, hạnh phúc, đơm hoa kết trái đầy đủ nhưng có những đôi không sống với nhau nổi 3 ngày. Mới về hôm trước hôm sau đã đánh nhau lộn tùng phèo rồi”.

Chính vì thế, ở Đồng Kỵ, chuyện cô dâu bỏ trốn vào ngày cưới là chuyện thường xảy ra như cơm bữa. Có đám cô dâu bỏ đi trước ngày cưới vài ngày, nhưng thậm chí cũng có đám cô dâu bỏ đi ngay trong lúc chú rể đang trên đường đến rước dâu. Hai bên gia đình vẫn tổ chức đám cưới linh đình, cỗ bàn bày biện đầy đủ nhưng cô dâu, chú rể thì không thấy đâu. Nhiều câu chuyện bi hài xảy ra trong nhiều đám cưới ở Đồng Kỵ.

Ở Đồng Kỵ, có tục lệ nhà ai có công có việc, ngay cả tổ chức đám cưới cho con cũng làm một cái lễ lên chùa Tây Am Tự cúng bái, cầu xin thần thánh ban phúc cho trai gái lấy nhau hạnh phúc, con cái đề huề. Việc cưới xin ở đây cũng rất độc đáo, vẫn giữ những nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa.

Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, 10 kg đường, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái. Thêm vào đó là một ít tiền mặt tùy theo hoàn cảnh cụ thể của nhà trai, có đám 10 - 20 triệu đồng nhưng cũng có đám lên tới 50, 70 triệu, thậm chí 100 triệu.

Ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị một tráp trầu têm sẵn, miếng cau trong tráp phải là nửa quả, số cau trong tráp trầu đón dâu không bao giờ chẵn mà phải lẻ, số lượng được qui định là 21 hoặc 23 miếng.

Đám cỗ trong làng Đồng Kỵ cũng theo một qui tắc mà gia chủ phải sắp xếp sao cho trong một mâm cỗ chỉ có 4 người. Trong đám cỗ, người cao tuổi sẽ ngồi dưới mà người dưới tuổi sẽ ngồi trên, như vậy để người trẻ dễ dàng "phục vụ" cơm, canh cho người cao tuổi. Đặc biệt không có chuyện người nhiều tuổi hơn lấy cơm, canh cho người ít tuổi.

“Bây giờ nề nếp ăn uống còn thoáng và thông cảm hơn nhiều, trước kia người nhiều tuổi hơn ăn gì người ít tuổi hơn mới được gắp theo. Những quy định ấy suy cho cùng có phần cực đoan, nhưng “phép vua thua lệ làng”. Các cụ cũng chỉ muốn nét văn hóa lâu đời và truyền thống tốt đẹp của làng mà thôi”, ông Dương Văn Canh – chủ tịch phường Đồng Kỵ cho biết.

 

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

 

people like INLOOK.VN fanpage