Bạn đang ở đây

Người Việt phản ứng lại tin Việt Nam thuộc top "vô cảm" nhất thế giới

Thông tin về việc Việt Nam nằm trong số các quốc gia “vô cảm” nhất thế giới được đăng tải trên các báo và trang mạng mới đây đã gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng.

Trong một cuộc khảo sát mức độ thể hiện cảm xúc được hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11, chỉ với tỉ lệ 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal...

Người Việt phản ứng lại tin Việt Nam thuộc top "vô cảm" nhất thế giới 1
Những hành động người giúp người như thế này không hiếm ở Việt Nam.

 

 

"Vô cảm" hay "ít cảm xúc"

"Vô cảm" - theo từ điển mở tratu.soha.vn nghĩa là không có cảm xúc, không có tình cảm (trước những tình huống đáng ra phải có). Từ “vô cảm” có thể khiến người đọc liên tưởng tới thái độ sống thờ ơ, bàng quan trước nỗi đau, tình cảnh đáng thương của người khác. 

Khi đọc được thông tin này với tít ban đầu là "vô cảm", nhiều người đã không thể không click vào đọc tin vì không ngờ người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế lại thuộc nhóm thờ ơ với mọi chuyện nhất thế giới. 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát này có phải là một “thước đo” chính xác hay không vẫn còn là vấn đề cần phải xét lại. 

Được biết, cách thức Gallup tiến hành khảo sát ở 150 quốc gia trên thế giới là hỏi người dân ở những nơi đó rằng họ có trải qua 5 cảm xúc tích cực và 5 cảm xúc tiêu cực ngày hôm trước hay không. 

Các cảm xúc tích cực bao gồm được nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, được hưởng thụ, cười nhiều, biết hoặc làm một điều gì đó thú vị. Các cảm xúc tiêu cực gồm giận dữ, căng thẳng, buồn phiền, đau đớn về thể chất và lo lắng. Như vậy, cuộc khảo sát chỉ nhằm đánh giá về mức độ thể hiện cảm xúc trước người khác của người dân các nước mà thôi. Và việc ít thể hiện cảm xúc hoàn toàn không có nghĩa là vô cảm.

Trên website của mình, Gallup cho biết họ đã tiến hành phỏng vấn qua điện thoại hoặc trực tiếp 1000 người ở lứa tuổi trên 15 tại mỗi quốc gia trong khoảng từ 2009 đến 2011. Như vậy, đây chỉ là một cuộc khảo sát mang tính ngẫu nhiên, khó có thể đại diện cho đại đa số người dân Việt Nam. 

Đồng thời, chính Gallup cũng lưu ý rằng, từ ngữ được sử dụng khi đặt câu hỏi hay những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện khảo sát có thể dẫn tới sai sót và định kiến thiên lệch trong kết quả khảo sát.

Độc giả, dân tình trên mạng và ngoài đời nói gì?

 

Người Việt phản ứng lại tin Việt Nam thuộc top "vô cảm" nhất thế giới 2
 
Đa số cư dân mạng không đồng tình với kết quả khảo sát.

 

 

Ngay bên dưới bài viết tại trang báo gốc, độc giả có nick Vô Nghĩa đã đưa ra một tình huống hài hước để bày tỏ sự không đồng tình với kết quả khảo sát: “Trường hợp thứ nhất: Sáng, mẹ giữ lới hứa, đưa tiền đi đóng học phí đúng hạn: vui; Lên xe bus, loay hoay xuống xe, mất ví: hoảng hốt, buồn, hối hận,...: Ra phường trình báo, ngồi viết tường trình: sốt ruột; Viết xong các anh bảo sang phường bên trình báo mới đúng vì không phải bị móc túi tại bến xe phường mình: tức; Về trường: lo mai mốt bị cấm thi vì trễ học phí,.... Trường hợp thứ hai: mặc quần áo đẹp đi lãnh bằng tốt nghiệp: vui cả ngày! Kết luận: Có vẻ trường hợp 2 rất "ít cảm xúc". Cầu mong mình không trở thành người "giàu cảm xúc" như "ai kia".

Câu chuyện về việc sống “ít cảm xúc” hay “nhiều cảm xúc” cũng theo đó trở thành vấn đề được nhiều người mổ xẻ. Bạn đọc Lê Thu bình luận bên dưới bài viết bày tỏ quan điểm: “Nếu không có cảm xúc thế giới này thật vô vị. Và sẽ rất tồi tệ hơn nữa vì điểm giới hạn của sự vô cảm là cuộc sống thực vật. Bạn có mắt mà không có hình ảnh nào hiển hiện, bạn có tai mà không có âm thanh nào đến được trái tim, bạn có đôi tay nhưng không với tới được thế giới”.

Người Việt phản ứng lại tin Việt Nam thuộc top "vô cảm" nhất thế giới 3
Không ít người dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những giọt máu quý giá trong cơ thể mình cho người cần máu


Chị Thu Phương (34 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự thì người Việt Nam không hề vô cảm. Tuy nhiên, đôi khi, trong lúc giúp người hoạn nạn lại làm ơn mắc oán. Điển hình là trường hợp gặp tai nạn giao thông, giúp đỡ đưa người vào bệnh viện thì bị gây khó khăn về thủ tục. Gia đình người bị nạn có lúc hiểu nhầm còn đánh người, bắt đền, báo công an. Thế nên dần dân người ta đề phòng, không muốn dây vào vì sợ rắc rối. Đó là khi xã hội quá phức tạp thì người ta tự dưng phải phòng thủ và dè chừng trước mọi thứ”.

Người Việt phản ứng lại tin Việt Nam thuộc top "vô cảm" nhất thế giới 4
Bức ảnh chiến sĩ công an sửa xe giúp dân nhận được hàng nghìn click Like và những comment trân trọng trên facebook


Cần quan tâm câu chuyện này ở mức độ nào

Khảo sát của Gallup có thể chưa hoàn toàn chính xác, cũng không đại diện cho đặc điểm tính cách người Việt, nhưng nó cũng là một thông tin đáng để quan tâm, tham khảo. 

Trong cuộc sống, mỗi ngày đều có rất nhiều sự việc diễn ra. Nếu vô tình bắt gặp một người lái xe quên gạt chân chống, một em nhỏ đang đứng khóc một mình... liệu mấy người trong chúng ta sẽ kêu lên cảnh báo hoặc dừng bước để lắng nghe. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định và lựa chọn của bạn.

Ít cảm xúc hay nhiều cảm xúc, sự đánh giá, nhận định của người khác không phải là điều tối quan trọng cần lưu tâm. Điều quan trọng phải chăng là, bạn đang làm gì để sống tốt cho bản thân và sống có ích?

Theo TTVN

people like INLOOK.VN fanpage