Bạn đang ở đây

6 MẸO PHÒNG CẢM CÚM CHO BÉ LÚC GIAO MÙA

Tiêm chủng, mặc ấm, ngủ đủ giấc, rửa tay thường xuyên, ăn thực phẩm tăng sức đề kháng... giúp bé chống chọi với virus cảm cúm tốt hơn.

 

Giao mùa là thời điểm virus cúm phát triển mạnh, gây ho, sổ mũi, viêm phế quản, viêm phổi... cho trẻ nhỏ. Sức đề kháng của bé còn non yếu, dễ lây nhiễm virus cúm trong không khí hoặc từ trẻ khác trong môi trường lớp học. Tuy nhiên, mẹ có thể giúp con hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, tăng cường sức đề kháng để phòng chống cúm.

Tiêm chủng

Văcxin cúm dành cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Trẻ 6-36 tháng tuổi tiêm liều 0,25 ml, nhắc lại mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên ít nhất 4 tuần. Trẻ trên 3 tuổi tiêm một liều 0,5 ml hàng năm. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm văcxin cúm vào khoảng tháng 10 và 11, thời điểm giao mùa virus sinh sôi mạnh nhất. 

Mặc ấm

Tiêm chủng là cách phòng bệnh hiệu quả, song chỉ ngừa được một số chủng virus phổ biến. Mẹ vẫn cần mặc ấm cho bé khi ra ngoài, nhưng phải thoáng khí để con thoải mái vận động, không lo mồ hôi ra thấm ngược lại cơ thể. Đêm lạnh, mẹ nên đắp chăn mỏng khi bé ngủ. Nếu trẻ có thói quen đạp chăn, hãy mặc quần áo dài tay, cho áo vào trong quần, bôi chút dầu ấm vào gan bàn chân và đeo tất cho bé. 

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ giúp cơ thể bé nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, tăng sức đề kháng. 10 phút massage buổi tối khiến trẻ thư giãn, khí huyết lưu thông, ngủ dễ và sâu giấc. Để thiên thần nhỏ ngủ ngon hơn, mẹ có thể hát ru hoặc kể những câu chuyện cổ tích thú vị. Khuyến khích bé tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời khoảng 30 phút ban ngày, cũng giúp bé có giấc ngủ chất lượng hơn. 

Vệ sinh cơ thể

Tay là con đường lây nhiễm virus cúm phổ biến và dễ dàng nhất. Mẹ nên dạy bé quy trình rửa tay 6 bước bằng xà bông trong ít nhất 30 giây. Mẹ cũng cần nhắc nhở con hạn chế đưa tay lên miệng, mắt, mũi. Khi ho hoặc hắt xì, nên đưa khuỷu tay lên che miệng, thay vì lòng bàn tay.

Bé cũng cần tắm rửa sạch bằng nước ấm; thay quần áo khi đi học về; nhỏ mũi, mắt và súc miệng bằng nước muối sinh lý một lần mỗi ngày để hạn chế mầm bệnh.

Diệt khuẩn nhà cửa

Các vật dụng mà bé thường xuyên chạm tay vào cần được vệ sinh, diệt khuẩn để giảm nguy cơ lây bệnh. Đó là tay nắm cửa, cần gạt bồn cầu, cần gạt vòi nước, điều khiển tivi, đồ chơi, bình sữa, khăn mặt, bàn ăn... Ga giường, vỏ chăn nên được thay giặt thường xuyên, phơi nắng. Nếu khu dân cư đang có dịch cúm, sởi, tay chân miệng... mẹ có thể mua hoặc ra trạm y tế xã phường xin thuốc tiệt trùng về lau dọn nhà cửa.

Chế độ dinh dưỡng

Hệ tiêu hóa đóng góp 70-80% vào sức đề kháng và 100% năng lượng của trẻ nhỏ. Dọc thành ruột có nhiều hạch lympho - nơi đào tạo các tế bào miễn dịch, giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh. Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất (đạm, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất), uống nhiều nước, là cách tăng miễn dịch hiệu quả với virus cúm.

Ngoài ra, mẹ nên đưa các thực phẩm tăng sức đề kháng vào thực đơn của bé như tỏi, cam, quýt, rau xanh đậm, nước cam, bưởi, diếp cá xay... Một số loại sữa chua bổ sung lợi khuẩn không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, mà còn hỗ trợ cải thiện miễn dịch cho trẻ nhỏ.

people like INLOOK.VN fanpage