Bạn đang ở đây

Nghệ sĩ hải ngoại về nước: Khó khăn và thách thức

Chúng tôi gặp và trò chuyện với nhiều ca sĩ về nước trong những tháng gần đây. Đa số họ đều gặp khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp ca hát ở thị trường trong nước, kể cả những người đã có tên tuổi...

 

(Xem: Thấy gì qua "làn sóng" trở về của nghệ sĩ hải ngoại? - Kỳ 1: Về nguồn)

 

Khó nhất là việc tìm show hát. Số ca sĩ thành công, số đêm diễn thành công mà báo chí nêu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các đơn vị tổ chức cũng rất hào hứng với mác ca sĩ hải ngoại, nhưng khi bắt tay vào xây dựng một chương trình biểu diễn đôi khi phải bỏ cuộc vì khó tìm được thời điểm, sân khấu thích hợp; chi phí tổ chức lớn, tiền tác quyền cao, ca sĩ đòi cát-xê quá nhiều...

Mặt khác, các chương trình ca nhạc trong nước hiện nay phần lớn là phục vụ cho công chúng trẻ, quy tụ những tên tuổi ca sĩ trẻ, vì vậy cũng thật khó để mời những ca sĩ hải ngoại có tên và cả "có tuổi" tham gia. Còn những ca sĩ hải ngoại trẻ đang cố gắng tìm chỗ đứng trong nước thì khán giả lại chưa biết, tên tuổi chưa đủ sức bán được vé. Vì vậy show diễn dành cho các ca sĩ hải ngoại cũng bị hạn chế.

Theo các ca sĩ hải ngoại, trở ngại lớn nhất chính là vấn đề giấy phép biểu diễn. Một ca sĩ hải ngoại về nước xin giấy phép đôi khi vài tháng mới có nhưng giấy phép chỉ có hiệu lực trong 3 hoặc 6 tháng. Đó là chưa kể vấn đề giới hạn phạm vi biểu diễn, tức là chỉ được biểu diễn ở phòng trà nào, sân khấu nào, địa phương nào. Có trường hợp chỉ được biểu diễn duy nhất một chương trình, đó là trường hợp ca sĩ Thu Phương trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19. Mới đây chúng tôi gặp ca sĩ trẻ Hiếu Dũng, anh cho biết về nước 3 tháng và có nhờ người quen làm thủ tục  xin giấy phép biểu diễn một live show mini tại thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng gần đến ngày anh đi vẫn chưa có nên đành hẹn lần sau.

 

Ca sĩ Minh Tuyết trong live show Dấu yêu ngày xưa tại Hà Nội. (Ảnh: Lương Trần)

 

Sống ở Mỹ nhiều năm, khi về nước ca sĩ nào cũng mong muốn gặp được thuận lợi trên con đường ca hát để ở lại lâu dài, bởi khi đã tuyên bố về nước mà không tìm được chỗ đứng trong nước, quay ngược lại Mỹ sẽ bị một số bầu show theo phe cánh bên kia tẩy chay, nên áp lực tâm lý, áp lực tài chính luôn đè nặng lên vai. Có người phải ở khách sạn nếu như không có người thân, bạn bè cho ở nhờ. Chính vì áp lực như thế nên phần lớn các ca sĩ này dễ bị mất phương hướng, không có chiến lược rõ ràng.

Đa số các ca sĩ hải ngoại thường gặp khó khăn trong việc tìm người quản lý, bởi mối quan hệ giữa quản lý và ca sĩ được đảm bảo theo tỷ lệ ăn chia lợi nhuận của cát-xê, nói thẳng ra đó là hợp đồng kinh tế, một sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Khi một ca sĩ khó có khả năng thành "sao" thì các quản lý cũng ngần ngại đầu tư thời gian, công sức và có thể cả tiền bạc, bởi ngoài rủi ro về hiệu quả kinh tế còn ảnh hưởng đến tên tuổi của cả hai.

Vả lại, tâm lý chung của các quản lý là thích đầu tư vào ca sĩ mới toanh hơn là những ca sĩ từng "chinh chiến" trên các sân khấu ca nhạc nhiều năm mà chưa thể thành danh. Ca sĩ mới toanh chưa biết gì, theo các quản lý sẽ dễ định hướng phong cách âm nhạc và biểu hơn là bắt đầu làm mới hoàn toàn cho một ca sĩ cũ. Bởi vậy phần lớn các ca sĩ hải ngoại về là “tự bơi” hoặc nhờ bạn bè, người quen, mỗi người giúp một chút. Thế nhưng chính vì “lắm thầy” nên sẽ có “nhiều ma”, làm cho ca sĩ dễ đi sai đường.

 

Ca sĩ Elvis Phương (phải) trong live show Khung trời kỷ niệm của Ý Lan. (Ảnh: Thiên Hùng)

 

Nhìn chung các ca sĩ hải ngoại về nước, thuận lợi duy nhất chính là cái mác ca sĩ hải ngoại, thế nhưng cũng chỉ như ấn tượng ban đầu trước một cô gái đẹp, còn sau đó chính là nội lực quyết định sự thành hay bại của sự trở về. So với các ca sĩ về trước đây và có sẵn thương hiệu, các ca sĩ trẻ càng về sau càng gặp khó khăn trong việc tìm show hát, chỗ đứng. Một số ít may mắn tìm được chỗ để "đầu quân" như Dương Triệu Vũ là ca sĩ độc quyền của công ty Tiếng Hát Việt, Suny Lương "đầu quân" vào công ty Anh Kiệt.

Thế nhưng, theo nhận định của nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, một điểm chung đáng trân trọng là phần lớn các ca sĩ hải ngoại không chịu hát nhép, hát clip và cung cách làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ. Ca sĩ Duy Quang với tư cách là ông chủ một phòng trà, cũng đồng tình với nhận xét này. Bên cạnh đó một số ca sĩ lại "nhập" về những thói quen không lành mạnh như trước giờ ra sân khấu họ phải uống rượu, bia hoặc dùng một vài chất kích thích khác để hát hay hơn, sung hơn. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến các ca sĩ hải ngoại khác cũng như làm mất đi hình ảnh đẹp của người ca sĩ trong lòng khán giả.

Các nghệ sĩ về trước, ngoài việc đã tạo dựng được thương hiệu hiện còn có công việc kinh doanh, nhà cửa ổn định tại quê hương như Hương Lan, MC Kỳ Duyên, Duy Quang, Đức Huy, Elvis Phương, Quang Toàn... Gần đây ca sĩ trẻ Suny Lương cũng mở shop kinh doanh quần áo với ý định nối gót các anh chị đi trước, lập nghiệp hẳn ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ca sĩ Hương Lan thuộc lứa nghệ sĩ hải ngoại về nước đầu tiên, nay đã định hình tên tuổi của mình ở dòng nhạc dân ca trữ tình trong nước. (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

 

Hơn 30 năm qua, các sinh hoạt ca hát ở hải ngoại tưởng chừng như rất sôi động nhưng thực ra bó hẹp trong phạm vi nhỏ, với lượng khán thính giả cũng rất nhỏ bé so với thị trường trong nước. Trung tâm Thúy Nga vẫn đều đặn làm chương trình Paris by Night tưởng chừng như rất hoành tráng nhưng chỉ với một văn phòng chưa đầy 20m2 và gần đây đang trong tình trạng lỗ nặng với nguy cơ phải đóng cửa. Asia thì lại tập trung mảng chính trị, khai thác bạo lực hận thù dân tộc, khai thác hình ảnh người lính Việt Nam cộng hòa, khai thác nỗi đau vượt biên để thứ nhất tìm chỗ dựa từ các hội đoàn chống Cộng ở Hoa Kỳ và thứ hai để tạo ra "nét riêng" kiểu "kinh doanh bằng tâm lý chiến".

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà đất nước ngày càng mở cửa, hội nhập thì những xu hướng ngược dòng như thế không thể tồn tại. Những sân khấu chuyên về tuyên truyền chính trị, chuyên về tâm lý chiến không thể được lòng khán giả, đồng bào xa xứ, kể cả những người cực đoan nhất. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại từ lâu đã ngán ngẩm với những Đại nhạc hội chiến sĩ mùa hè, Đại nhạc hội chiến sĩ mùa đông, Cảm ơn anh người thương binh Việt Nam cộng hòa...

Mặt khác, cục diện thời đại xuất hiện nhiều khía cạnh mới, cả nước đang đoàn kết một lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt trong nước hay ở bất kỳ nơi đâu cũng là người Việt Nam, phải có trách nhiệm với Tổ quốc của mình, người nghệ sĩ, trí thức lại càng phải có trách nhiệm hơn. Đó là cũng là lý do mà nghệ sĩ hải ngoại càng ngày càng có xu hướng "về nguồn", phục vụ đồng bào trong nước. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của thời đại. Chúng tôi nghĩ rằng một ngày không xa, dòng chảy âm nhạc giữa hải ngoại và trong nước sẽ hòa chung thành một để phục vụ dân tộc, phục vụ Tổ quốc.

 

Theo CA

people like INLOOK.VN fanpage