Bạn đang ở đây

Phim truyền hình: Nghiệp dư toàn tập

Mải chạy theo con số 50 % giờ phim Việt, chỉ dựa vào thước đo số lượng, doanh thu, chất lượng phim ngày càng xuống thấp, đánh mất vẻ đẹp thuần Việt vốn từng là thế mạnh của phim truyện truyền hình khi nó mới hình thành.
Bài 1: Nở rộ cái gọi là... phim

Trong thời hoàng kim chưa xa của phim truyện truyền hình, mỗi biên kịch chuyên nghiệp, đạo diễn có khả năng nhất cũng chỉ dám làm tối đa 5–10 tập, 20 tập phim là quá sức. Nhưng phim nào cũng để lại trong lòng khán giả dấu ấn khó quên về một nhân vật, câu chuyện, bài hát. Ngoài câu chuyện dễ xem, Giã từ dĩ vãng (đạo diễn Đinh Đức Liêm) làm nên một giọng hát Phương Thanh. Còn Đất phương Nam (đạo diễn Vinh Sơn) thì như một bài hát ngọt ngào về tình quê hương.

 

"Chúng ta sẽ làm hư hỏng cả một nền điện ảnh truyền hình"

Đạo diễn Châu Huế, người từng thành công với nhiều phim truyền hình thời gian trước kể: "Tôi rất thích thú khi đọc đề cương chi tiết phim Mưu sinh, và quyết định mua kịch bản đó, nhưng đọc đến 15 tập kịch bản vẫn chưa thấy có gì là mưu sinh cả, thất vọng. Hỏi ra mới biết, kịch bản do ba bạn trẻ tuổi mới hai mươi, chưa vốn sống, chưa từng viết văn, viết rào rào vài tuần lễ".

Ngay như Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà biên kịch nhiều kinh nghiệm cũng phải viết cả nửa năm mới xong kịch bản dài khoảng 30 tập. Đến giai đoạn sản xuất, đạo diễn phải có kịch bản phân cảnh chi tiết. Trước đây, Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) tính trung bình giá sản xuất một tập phim 180 triệu đồng, tương đương 9.000 USD cũng là bèo theo cơ chế Nhà nước rồi, giờ chỉ còn 3.000 USD (tương đương 60 triệu đồng)/tập phim, thì ai còn có thời gian đầu tư cho kịch bản? Ngày xưa, đạo diễn học nước ngoài về cũng phải làm phó mấy phim mới được ra làm đạo diễn chính, giờ đạo diễn chưa ra trường đã được làm phim bộ hàng trăm tập, sẵn sàng chấp nhận thù lao một tập phim 2 triệu đồng, hai ngày... quay xong một tập, thật kinh hoàng!

 

Trương Ngọc Ánh, người khởi nghiệp bằng vai diễn đầy dấu ấn trong phim Giã từ dĩ vãng.

 

"Tôi nghĩ nếu ai còn chút lương tâm phải quay về chất lượng, nếu không, chúng ta sẽ làm hư hỏng cả một nền điện ảnh truyền hình, gây ô nhiễm đến không gian giải trí vốn rất ít và làm hư hỏng thị hiếu thẩm mỹ của nhiều thế hệ tương lai", đạo diễn Châu Huế nhấn mạnh.

Nói cho công bằng, chúng ta chưa từng chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất phim. Sản xuất phim truyền hình nhiều tập càng mới mẻ hơn. Điển hình là đội ngũ biên tập phim phần lớn là những người chưa từng sáng tác và mù mờ khi đọc kịch bản phân cảnh. Sự hiểu sai về nghiệp vụ này dẫn đến hiệu ứng "mù mờ ăn may", nếu gặp được đạo diễn có khả năng điều chỉnh kịch bản thì phim xem được, không thì... chịu vậy.

Việc tổ chức đoàn phim, việc xác lập hệ thống quản lý tài chính, giám sát trường quay, nhân sự tất cả các khâu cũng trong tình trạng rất tạm bợ. Đặc biệt, chuyện diễn viên chạy sô, đạo diễn cùng lúc "chỉ đạo" hai phim là không hiếm. Nó khiến cho khả năng bao quát ở tất cả các khâu đều rất thấp. Do đó, đã xảy ra tình trạng phim phải ngừng phát sóng vì quá dở, bị khán giả la ó!

 

Đất phương Nam, một trong những phim truyền hình hay hiếm hoi trước thời "nghiệp dư hoá".

 

Nhà nhà làm phim, người người viết kịch bản

Cả nước hiện có hàng trăm hãng phim tư nhân. Hãng nào cũng có vài ba phim chuẩn bị phát sóng, phim nào cũng 100 tập trở lên. Đói kịch bản phim trầm trọng khiến các nhà sản xuất chạy vạy tán loạn, đủ kiểu: Việt hóa kịch bản nước ngoài; hợp tác nhiều người, chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết; lấy các bạn trẻ không hề có nghề làm lực lượng chính, nhưng lại thiếu người xâu chuỗi có kinh nghiệm khiến đạo diễn chỉ còn biết... khóc ròng!

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết: "Chuyện này đã xảy ra lâu rồi, và chưa hề suy giảm. Một số học trò của mình ra trường, lúc khởi đầu không đến nỗi, nhưng rồi đã "tồi tệ hóa" theo thời gian. Lý do không nằm ở chỗ viết nhóm hay viết độc lập, mà chính là ở sự dễ dãi của người mua kịch bản. Nếu thị trường khắt khe, không ít biên kịch trẻ đã trưởng thành. Nhưng... lại phải trở về với lực lượng biên tập. Những người biên tập không từng viết kịch bản, người đầu tư càng không, vậy làm sao thẩm định chính xác, hoặc thuyết phục được người sáng tác chỉnh sửa nâng cấp kịch bản?

 

Mải chạy theo số lượng và doanh thu, chất lượng phim truyền hình Việt Nam ngày càng xuống thấp.

 

Đương nhiên sự dễ dãi (hoặc lực bất tòng tâm) ấy đã khiến các biên kịch thấy việc viết kịch bản thật là... dễ, kiếm tiền càng dễ hơn. Tốc độ sản xuất phim cho đủ phát sóng cũng khiến các biên kịch lao vào guồng máy dễ dãi ấy không kịp nhìn lại mình. Ra trường với một hành trang kiến thức rất mỏng, chỉ sau một hai năm, tri thức cạn kiệt, lấy cái gì cho sáng tác thăng hoa?

Ngoài ra, vấn đề của người đứng đầu mỗi nhóm cũng là chuyện nan giải. Cho đến nay, người thực sự nắm được kỹ năng viết kịch bản truyền hình không nhiều. Người có kiến thức uyên thâm đủ để giải mã, khơi mạch cho nhiều đề tài khác nhau, và đủ sức thuyết phục đối với các cộng sự càng ít. Vì thế những câu chuyện "đầu Ngô mình Sở" của phim truyện truyền hình không phải là chuyện hiếm".

 

Nền điện ảnh truyền hình đang bị nghiệp dư hóa, đó là nhận xét của hầu hết người làm nghề tử tế còn sót lại khi chúng tôi thực hiện chuyên đề này.


Phim Việt càng nở rộ bao nhiêu thì sản phẩm "tưởng là phim" càng nhiều bấy nhiêu. Có lẽ đã đến lúc nếu không nói là quá muộn, các đài truyền hình hơn ai hết, phải thay đổi cơ bản về mục đích, định hướng chiến lược của các dòng phim, từ đó thay đổi cách mua bán, cách quản lý sản xuất phim và nhất là chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng các phim được phát sóng.

 

Xem thêm trailer phim Cá rô, em yêu anh! đang được phát sóng trên HTV3.

 

 

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage